Chiều 10/7, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa, điều hành kỳ họp.

bna_3867.jpg
Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường

Tại phiên thảo luận, chủ tọa kỳ họp đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm rõ nguyên nhân vì sao kinh tế phục hồi phát
triển chậm; tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn và trên đầu người không đạt mục tiêu đề ra; tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công và các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng còn chậm.

Giải trình, làm rõ vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%) và cao hơn bình quân cả nước (6,42%).

bna_3853.jpg
Các đồng chí chủ tọa, điều hành kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

"Đây là kết quả khá tích cực trong điều kiện khó khăn, tăng trưởng quý II cao hơn quý I, tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra là 8,7-9,7%", ông Quang nói.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tình hình thế giới và đất nước có nhiều thuận lợi nên tinh thần rất cao.

Nhưng thực tế lại diễn ra rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; tình hình thế giới diễn biến khó lường, phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu và tốc độ tăng trưởng cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ có năm 2022 có tốc độ tăng trưởng đạt 9,08%, tiệm cận với nghị quyết đại hội.

bna_3921.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang giải trình, làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm. Ảnh: Thành Cường

Phân tích cụ thể, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khu vực công nghiệp - xây dựng trong 6 tháng đầu năm phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng cao nhất, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tăng 11,32%, tuy nhiên chưa đạt theo kịch bản là 13,8-14%. Nguyên nhân là do một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tốc độ tăng trưởng đạt 4,13%, mặc dù không đạt kịch bản nhưng tiệm cận trong mục tiêu đề ra, giữ được mức tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, khu vực này chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu nền kinh tế, khó tạo ra được bứt phá để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng chỉ đạt 5,85%, trong khi mục tiêu là 9,5-10%. Đây là khu vực ảnh hưởng lớn nhất đến kịch bản tăng trưởng chung của tỉnh.

Ngoài các ngành dịch vụ duy trì đà tăng trưởng tốt như buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, thì nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng thấp là do có nhiều dịch vụ giảm sâu, tăng trưởng âm như vận tải hàng không, viễn thông, giáo dục, kinh doanh bất động sản...

bna_3889.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang nhấn mạnh, quan điểm của UBND tỉnh là không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, để tập trung chỉ đạo quyết liệt trong 6 tháng cuối năm nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất, tiếp tục tạo nền tảng để thực hiện nhiệm vụ chung theo nhiệm kỳ.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản của năm 2024 là từ 8,5-9,5%, trong quý III và quý IV phải đạt mức tăng trưởng khoảng 10%. Đây là mục tiêu rất cao và nhiều thách thức.

Trên đà xu hướng tăng trưởng chung của kinh tế thế giới, trong thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục chủ động tháo gỡ, khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; dựa trên 3 động lực chính là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các dự án FDI đi vào hoạt động trong năm 2024 để bổ sung năng lực sản xuất.

bna_3864.jpg
Lãnh đạo các địa phương tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm để đưa vào khai thác theo đúng tiến độ đề ra.

Về giải ngân vốn đầu tư công, kết quả năm 2023 của tỉnh đạt trên 95%. Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, hoàn thành kế hoạch giao vốn trong tháng 3; kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; thành lập 1 tổ công tác cấp tỉnh và 2 tổ công tác cấp phòng; tổ chức hội nghị giao ban đẩy nhanh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm; xây dựng kế hoạch và cam kết tiến độ giải ngân.

Với giải pháp đó, đến ngày 30/6 kết quả giải ngân đạt 38,52%, cao hơn cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (29,39%). Tuy nhiên, một số nguồn vốn, nhất là nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.

bna_3862.jpg
Lãnh đạo các địa phương, đại diện các ngành tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là do áp lực giải ngân năm 2024 lớn. Các dự án triển khai ở vùng miền núi địa hình phức tạp, thường xuyên bị thiên tai, giao thông đi lại khó khăn... ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai.

Ngoài ra, một số dự án thực hiện các thủ tục thuộc thẩm quyền cơ quan Trung ương nên nhiều dự án còn vướng mắc. Công tác chỉ đạo ở cấp huyện, năng lực đội ngũ quản lý dự án còn yếu và thiếu.

Thời gian tới, để đạt mục tiêu là giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; thực hiện phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân theo chỉ tiêu đến cuối năm.

Rà soát, điều chuyển vốn các dự án giải ngân chậm, bổ sung cho các dự án giải ngân tốt; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xử lý các vướng mắc, khó khăn cho các dự án; kiên quyết xử lý các chủ đầu tư và nhà thầu không đủ năng lực; tham mưu HĐND tỉnh lựa chọn huyện thí điểm thực hiện theo Nghị quyết 11 của Quốc hội.