ĐẢM BẢO AN TOÀN DẠY VÀ HỌC TRONG TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI

Trả lời những nội dung các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng việc học trực tuyến của các cấp học và giải pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh khi thực hiện việc đi học trực tiếp tại trường trong giai đoạn bình thường mới, GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ đây là trăn trở của ngành Giáo dục.

bna_6577015900262_8122021--n1.jpgGS. TS Thái Văn Thành khẳng định ngành Giáo dục đồng hành cùng địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Thành Cường

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trong triển khai dạy học trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến được chỉ đạo bài bản các văn bản hướng dẫn cho các phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường học để chỉ đạo việc dạy và học tại các nhà trường.

Ngành Giáo dục đã có hướng dẫn cụ thể trong việc tinh giản chương trình dể dạy cho các cháu kiến thức cơ bản, cốt lõi đảm bảo cho các cháu không hổng kiến thức, đảm bảo kiến thức để học sinh chuyển lên lớp trên và bậc học trên.

Đặc biệt, thời qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã hỗ trợ phương tiện thiết bị, nâng cấp các đường truyền để hỗ trợ giáo viên, học sinh học trong việc kết nối, sử dụng các thiết bị để hỗ trợ các cháu học trực tuyến.

GS.TS Thái Văn Thành thông tin, trong chương trình “sóng và máy tính cho em”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản, sắp tới cấp tiền và máy tính bảng cho các cháu học để không ảnh hưởng thị lực, đảm bảo an toàn cho các cháu. Bộ Giáo dục sẽ cấp 70 tỷ đồng triển khai trong tháng 12 này để trang bị máy tính bảng phục vụ dạy học trực tuyến cho học sinh.

bna_image_1330508_392021.jpgCác tình nguyện viên hỗ trợ học sinh thị xã Cửa Lò cài đặt phần mềm để học trực tuyến. Ảnh: PV

Ngành có kế hoạch khi các cháu trở lại trường, vừa phát triển kiến thức, hình thành kỹ năng ở mức độ vận dụng và vận dụng cao để các cháu có kỹ năng không thua kém các tỉnh, thành khác đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

Hiện có 20 huyện, thị, đã dạy học trực tiếp chỉ có 1 số trường, một số lớp, do ảnh hưởng dịch phải nghỉ cục bộ. Còn riêng TP Vinh học sinh cấp 3 đi học trực tiếp, học sinh lớp 9, các lớp còn lại chưa triển khai học trực tuyến.

“Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Nếu hiệu trưởng lơ là không thực hiện 5K theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thì hiệu trưởng và phòng Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm. Ngành Giáo dục đồng hành chịu trách nhiệm cùng với địa phương khắc phục đảm bảo an toàn cho thầy và trò”- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ "CÔ NUÔI'

Đồng chí Thái Văn Thành cho biết: Chất lượng giáo dục luôn là vấn đề được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy ngành đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông đầu tiên của Việt Nam. Hiện, Sở đang làm đăng ký sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện từ đầu vào đến đầu ra để đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng tốt.

“Ngành ý thức được việc giáo dục là con đường căn bản để chấn hưng nước nhà, muốn quốc gia mạnh thì giáo dục phải mạnh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, sự thịnh vượng của quốc gia, của tỉnh nhà.

bna_bna_79943483809_11112021.jpgSở đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 116 bởi quy định 5 cô nuôi/trường mầm non không phù hợp với các trường địa bàn miền núi vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới. Ảnh minh họa: Đức Anh

Vấn đề đặt ra là chúng ta phải thực hiện từng bước để làm sao thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh để rút dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của ngành Giáo dục rất cần sự quan tâm hỗ trợ của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các địa phương để ngành Giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học”- GS.TS Thái Văn Thành khẳng định.

Liên quan đến đề nghị sửa đổi Nghị quyết 31/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về Quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đối với chế độ cô nuôi trong các trường mầm non trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.

bna_644101626430_8122021--n1.jpgQuang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

GS.TS Thái Văn Thành cho biết, Nghị quyết 31 bị khống chế bởi Nghị định 116 của Chính phủ. Nghị định 116 quy định tối đa chỉ có 5 cô nuôi/mỗi trường mầm non. Sở đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 116 bởi quy định 5 cô nuôi/trường mầm non không phù hợp với các trường địa bàn miền núi vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới. Đồng thời trình UBND tỉnh sửa đổi Nghị quyết 31 phù hợp hơn.

Thanh Lê