Chiều 5/12, Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành thảo luận tại hội trường.

Lãnh đạo tỉnh tham dự có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

bna_5566.jpg
Quang cảnh phiên làm việc chiều 5/12 tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Thành Cường

Thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Trần Đình Toàn (đơn vị Đô Lương) nêu, trong 28 chỉ tiêu chủ yếu kinh tế - xã hội có 1 chỉ tiêu về môi trường được đánh giá là khó đạt.

Tại các địa phương, nhiều bãi rác gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân. Đại biểu Trần Đình Toàn đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để xử lý các điểm ô nhiễm này.

bna_5635.jpg
Đại biểu Trần Đình Toàn (đơn vị Đô Lương) nêu vấn đề xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường và đất nông, lâm trường. Ảnh: Thành Cường

Cũng theo đại biểu Toàn, hiện các huyện miền núi đang thiếu nguyên vật liệu xây dựng, vấn đề này đã được Báo Nghệ An phản ánh nhiều lần. Việc các huyện miền núi phải mua vật liệu ở miền xuôi sau đó chở lên gây lãng phí, hư hỏng hạ tầng, đội vốn, kéo dài tiến độ các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Vì vậy, đề nghị cần có giải pháp sớm giải quyết tình trạng này.

Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho biết, trong năm 2024 có 1 chỉ tiêu tỷ lệ xử lý cơ sở ô nhiễm môi trường chưa đạt theo quy định.

Cụ thể, hiện trên địa bàn tỉnh còn 5/42 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chưa được xử lý triệt để. Đó là Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, bãi rác Đông Vinh, bãi rác Cửa Lò, bãi rác Tân Kỳ, cơ sở trại lợn Thái Dương tại huyện Đô Lương.

bna_5692.jpg
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt giải trình, làm rõ nội dung đại biểu nêu. Ảnh: Thành Cường

Đối với cơ sở trại lợn Thái Dương tại huyện Đô Lương đã ngừng hoạt động từ lâu, Sở đã đôn đốc nhiều lần nhưng công ty chưa làm thủ tục để đưa ra khỏi danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sở đang tập trung làm việc với công ty để sớm đưa trại lợn này ra khỏi danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đối với 4 cơ sở còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung bố trí ngân sách để xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường này.

Về vấn đề nguyên vật liệu xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho rằng, đây là câu chuyện đã biết từ lâu. Luật Khoáng sản năm 2010 quy định, đối với các mỏ vật liệu xây dựng phải đấu giá. Từ những năm 2019-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh quy hoạch các mỏ đất, đá, cát ở địa bàn miền núi, sau đó tổ chức nhiều phiên đấu giá nhưng rất ít doanh nghiệp tham gia.

bna_5546.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Trao đổi các giải pháp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong thời gian qua, Sở đã hướng dẫn các huyện, chủ đầu tư, đối với các dự án khai thác trong phạm vi dự án, công trình để phục vụ san lấp thì tạo điều kiện thực hiện và một số huyện như Anh Sơn, Con Cuông đã làm tốt.

Đối với cát, ông Hoàng Quốc Việt cho rằng, sông miền núi rất dốc, điểm tích tụ cát là khó. Một số điểm lúc quy hoạch để đưa vào đấu giá thì có cát nhưng khi bắt đầu vào khai thác thì cát chảy đi. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ sửa Nghị định số 32 để có thể khai thác cát trong lòng hồ thuỷ điện, phục vụ cho các công trình ở miền núi.

Hiện nay, quy hoạch tỉnh đã có, quy hoạch mỏ ở các huyện miền núi rất đầy đủ. Trong thời gian tới, khi Luật Khoáng sản sửa đổi thì thủ tục đấu giá và cấp mỏ vật liệu xây dựng thông thường đơn giản hơn nên đề nghị các huyện phối hợp các sở, ngành để tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia đấu giá các mỏ vật liệu xây dựng.

bna_5563.jpg
Lãnh đạo các địa phương tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Vấn đề đất nông, lâm trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt nêu rõ, năm 2023, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn vấn đề công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường. Sau đó, Sở đã chủ trì, phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện thông báo của HĐND tỉnh.

UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành trong vấn đề quản lý đất nông, lâm trường. Hiện nay, các công ty nông, lâm trường đã nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị sử dụng đất.

Trong năm 2024, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi 107,3ha đất của nông, lâm trường giao cho địa phương quản lý. Những diện tích UBND tỉnh thu hồi trước đây, giao cho địa phương quản lý thì hiện nhân dân đang sản xuất. Một số huyện đang lập phương án giao lại cho người dân, một số huyện thì đang xử lý tài sản trên đất.

Trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ phối hợp các sở, ngành và các huyện để tiếp tục rà soát đất của các nông, lâm trường; tham mưu UBND tỉnh thu hồi về giao cho các địa phương quản lý để giao cho người dân.

Đồng thời, đề nghị Sở NN&PTNT nâng cao hiệu quả sản xuất đất của nông, lâm trường, những phần diện tích đất sản xuất không hiệu quả thì thống nhất giao về cho địa phương quản lý.

bna_5556.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Về chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 1A, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt khẳng định, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt. Hiện nay, điểm khó nhất ở phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), Sở đã thống nhất các ngành, tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn thị xã Hoàng Mai giải quyết theo hướng cho lồng ghép các loại bản đồ, các loại giấy tờ quản lý đất đai của địa phương của tỉnh, đơn vị thi công thời điểm đó. Hiện đã xác định được diện tích đó, tiến tới phê duyệt, chi trả tiền cho người dân.

Tại các địa phương khác như: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thành phố Vinh, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở GTVT đang đôn đốc tập trung giải ngân nguồn kinh phí này. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho gia hạn thời gian chi trả kinh phí này đến năm 2025.

Chất vấn lại Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá cao vai trò của Sở trong tham mưu xử lý vật liệu trong phạm vi công trình, nhưng đây chỉ là một giải pháp, vì không phải công trình nào cũng có vật liệu để khai thác.

bna_5518.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu chất vấn lại Giám đốc Sở TN&MT. Ảnh: Thành Cường

Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương liên quan tìm các giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng này. Trong đó, nghiên cứu giải pháp dành quỹ đất công phù hợp để quy hoạch, qua đó giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia đấu giá để các huyện miền núi có mỏ vật liệu, không phải lấy vật liệu từ miền xuôi lên để làm công trình.

Về vấn đề đất nông, lâm trường, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo gửi các đại biểu tại kỳ họp này về lộ trình chuyển đổi đất của các nông, lâm trường về cho các địa phương.

Nhấn mạnh đây là vấn đề khó, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, cần sự chỉ đạo tập trung từ tỉnh xuống địa phương. Tỉnh làm việc với nông, lâm trường và các địa phương thống nhất diện tích trả lại, sau khi trả rồi thì địa phương phải có kinh phí đo và cho người dân giải quyết tài sản trên đất sau khi thu hồi mới giải quyết dứt điểm, căn cơ được.