Đăng ký và giải ngân là hai mặt của bức tranh thu hút đầu tư. Bởi nếu nhà đầu tư cam kết xong rồi để đó thì có tỷ đô này, tỷ đô kia cũng chỉ nằm trên giấy và không có ý nghĩa đối với nền kinh tế.
Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế được thể hiện qua chỉ số tổng vốn đầu tư toàn xã hội mỗi năm và theo từng giai đoạn. Trong đó, dòng vốn từ khu vực FDI, cùng với vốn khu vực Nhà nước và vốn khu vực ngoài Nhà nước là “bộ ba” hợp thành chỉ số quan trọng trên.
Chính vì vậy, thu hút FDI là giải pháp vô cùng quan trọng để huy động dòng vốn ngoại nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế. Năm qua, Nghệ An tiếp tục làm tốt điều này, lập mốc lịch sử mới với gần 1,75 tỷ USD, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Thu hút vốn FDI tốt là rất phấn khởi nhưng điều ghi nhận hơn nữa là tốc độ giải ngân năm qua cũng nhanh không kém cạnh là bao.
Quan sát số liệu được Cục Thống kê Nghệ An công bố mới đây cho thấy, 2024 vốn đầu tư thực hiện khu vực đầu tư FDI ước đạt hơn 25.272 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD), tăng gấp 2,9 lần so với năm trước. Trước đó, khu vực FDI giải ngân trong năm 2023 gần 8.624 tỷ đồng, năm 2022 là 4.624,5 tỷ đồng.
“Nhiều dự án FDI lớn được khởi công vào cuối năm 2023 và đang được thúc đẩy thực hiện nhanh trong năm 2024. Trong đó Công ty TNHH công nghệ RUNERGY PV có vốn đầu tư thực hiện trong năm là 9.480,7 (chiếm 37,51% nguồn vốn FDI thực hiện cả tỉnh)”, Cục Thống kê Nghệ An cho biết.
Nhìn vào số liệu giải ngân FDI tại Nghệ An những năm qua cho ta thấy nhiều điều trong bức tranh của dòng vốn ngoại đổ vào tỉnh.
Thứ nhất, các nhà đầu tư căn bản là những doanh nghiệp chất lượng, “nói thật, làm thật” nên thực hiện giải ngân ngay để xây dựng nhà máy, công xưởng, lắp đặt công nghệ để sớm đi vào sản xuất.
Thứ hai là đối với bộ máy công quyền của tỉnh, con số thu hút FDI tăng lên và tỷ lệ giải ngân khá cao thể hiện sự chặt chẽ của trong quá trình thẩm định và cấp phép nên thu hút được dự án chất lượng; đồng thời phản ánh những đột phá, tính hiệu quả trong thực hiện các thủ tục hành chính để đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư sớm khởi công, xây dựng và đưa dự án đi vào sản xuất.
Vốn đăng ký về bản chất là con số cam kết. Nếu nhà đầu tư cam kết xong rồi để đó thì con số chỉ nằm trên giấy và không có ý nghĩa đối với nền kinh tế.
Trước đây, tại những hội nghị xúc tiến đầu tư, bên cạnh những nhà đầu tư chất lượng thì cũng có không ít nhà đầu tư sau khi cam kết rót vốn cả ngàn tỷ, chục ngàn tỷ đồng nhưng mãi không thấy thực hiện, làm dấy lên nghi vấn sự hiện diện của họ cốt chỉ để đánh bóng tên tuổi, còn hệ quả thì địa phương phải gánh.
Các chuyên gia kinh tế gọi tên tình trạng tên là “đầu tư ảo”. Tuy vậy, hệ lụy không hề ảo đối với nền kinh tế và chính sách điều tiết kinh tế và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước đây có một tập đoàn khá danh tiếng trong lĩnh vực du lịch cam kết rót cả 16.000 tỷ đồng vào thực hiện quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại một xã biển của huyện Nghi Lộc.
Thế nhưng sau nhiều năm, khách sạn và resort bãi biển 5 sao, khu biệt thự cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf 18 lỗ, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế; khu nông nghiệp… như cam kết chẳng thấy đâu.
Chỉ thấy hệ lụy là xã biển đó một thời gian dài ở vào thế "tiến thoái lưỡng nan", làm chậm trễ tiến độ xây dựng nông thôn mới, nhà của người dân khu vực dự án cũng không thể xây dựng, sửa chữa vì vướng quy hoạch quần thể “ảo” đó.
Tưởng dự án về thúc đẩy phát triển kinh tế ai ngờ lại như “cục máu đông” gây ách tắc, kéo chậm phát triển kinh tế địa phương, ảnh hưởng đến sản xuất, làm xói mòn niềm tin của người dân.
Hay như dự án nhà máy sản xuất sắt xốp với công suất 2 triệu tấn sản phẩm/năm có tổng mức đầu tư lên tới 1 tỉ USD từng đình đám một thời, được kỳ vọng là “quả đấm thép” biến cực Bắc Nghệ An gồm thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu thành cực tăng trưởng của tỉnh. Nhưng sau gần 10 năm nằm trên giấy đến năm 2019, tỉnh đã buộc phải rút giấy phép, chấm dứt hoạt động dự án.
Đăng ký và giải ngân là hai mặt vẽ nên gam màu cho bức tranh thu hút đầu tư, trong đó có khu vực vốn FDI. Chỉ khi đồng thời làm tốt cả hai điều này thì hiệu quả mới thực sự bền vững và mang ý nghĩa thiết thực.
Rất đáng ghi nhận là ở Nghệ An, bức tranh FDI đang có gam chủ đạo rất tươi sáng, đồng đều, tích cực ở cả hai mặt. Chúng ta vừa thu hút được nhiều dự án FDI với tổng vốn đầu tư năm sau luôn cao hơn năm trước; vừa đạt được tiến độ giải ngân tương đối cao.
Năm 2024, Nghệ An thu hút được 1,7496 tỷ USD vốn FDI, tăng 8,8% so với năm 2023.
Trong đó, tỉnh đã cấp mới có 19 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 867,8 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn 881,76 triệu USD và 2 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị 0,04 triệu USD.
Trước đó, năm 2023, Nghệ An lần đầu tiên thu hút vốn FDI vượt 1 tỷ USD, đạt 1,603 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Năm 2022, tỉnh thu hút được 961,3 triệu USD, lần đầu tiên vào tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.
Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 5,686 tỷ USD.