
Đồng chí Nguyễn Như Khôi phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: H.V
Được sự uỷ quyền của đồng chí Thái Thanh Quý - uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, tôi rất vui được vào dự buổi gặp mặt đầu xuân Nhâm Dần của Câu lạc bộ Nhà báo xứ Nghệ (CLB) tại Thành phố Hồ Chí Minh, gắn với lễ ký kết hợp tác của CLB với Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các đồng chí trong đoàn công tác, xin trân trọng gửi tới quý đại biểu cùng toàn thể các anh, chị trong Câu lạc bộ Nhà báo xứ Nghệ và Hội Doanh nhân Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Qua theo dõi thông tin và trực tiếp tham gia một số chương trình, chúng tôi đánh giá cao sự phát triển về tổ chức và những đóng góp của Câu lạc bộ Nhà báo xứ Nghệ, của Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh dành cho quê nhà. Đó là việc trao hàng trăm suất học bổng, xây dựng hàng chục nhà tình thương cho người nghèo, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, những thành tựu phát triển của quê hương… Đặc biệt vào thời điểm khó khăn nhất do đại dịch COVID-19, các anh chị đã nỗ lực rất lớn để huy động nhiều nguồn lực, giúp đỡ hơn 8000 gia đình bà con tại chỗ và tổ chức nhiều chuyến bay không đồng đưa hơn 2200 người Nghệ trở về quê nhà an toàn.
Các hoạt động thiết thực ấy và cuộc gặp mặt ý nghĩa hôm nay đã và đang góp phần gắn kết tình cảm giữa cộng đồng người Nghệ ở phương Nam, với quê hương; là nhịp cầu quảng bá hình ảnh quê hương, thu hút đầu tư về Nghệ -Tĩnh; làm sáng đẹp thêm truyền thống đoàn kết, nghĩa tình của người xứ Nghệ quê ta.

Nhân đây, tôi xin thông tin đôi nét về tình hình Nghệ An trong năm vừa qua. Năm 2021 là năm chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tỷ lệ người mắc bệnh nặng và tỷ lệ tử vong thấp. Kinh tế của tỉnh giữ được ổn định và phát triển, trong đó có nhiều điểm sáng; cụ thể: Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2021 tăng 6,2%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 22/63 địa phương trong cả nước. Thu ngân sách đạt 19.000 tỷ đồng, vượt 35% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và tăng 6,2% so với năm 2020, cao nhất từ trước đến nay.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Lũy kế, toàn tỉnh có 300/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 20 xã so với năm 2020), đạt 73% tổng số xã; 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 24 xã so với năm 2020); 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt trên 2,4 tỷ USD, vượt xa so với mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19.
Thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc; Trong năm 2021, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trên 44.114 tỷ đồng, trong đó tổng vốn dự án đăng ký mới đạt trên 31.197 tỷ đồng, tăng 40% về số lượng dự án và gấp 3,7 lần số vốn đầu tư đăng ký so với năm 2020. Đặc biệt là đã có sự chuyển dịch tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực quan tâm đầu tư vào tỉnh như: Luxshare-ICT, Goertek, Everwin, JuTeng,…
Trong khó khăn chung, tỉnh đã nỗ lực chăm lo tốt cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đợt dịch lần thứ 4, Nghệ An có gần 100 ngàn người trở về quê, trong đó 75.800 người trong độ tuổi lao động; cộng với hàng chục ngàn lao động bị mất việc làm tại các doanh nghiệp trong tỉnh, tạo áp lực rất lớn đối với đời sống và công tác phòng chống dịch bệnh. Tỉnh đã hỗ trợ kịp thời số kinh phí 106 tỷ 700 triệu đồng giúp người lao động ổn định cuộc sống. Tinh thần tương thân tương ái được phát huy (Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn với tổng số tiền và hiện vật trị giá trên 246,65 tỷ đồng; Ủng hộ “Tết vì người nghèo Xuân Nhâm Dần 2022” đạt trên 126 tỷ đồng). Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2021 chỉ còn khoảng 2,74%.
Trong năm 2021, tỉnh đã chủ động đề xuất và tích cực phối hợp các cơ quan trung ương trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 36 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Đạt được những kết quả trên có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng người Nghệ xa quê, tiêu biểu như Câu lạc bộ Nhà báo xứ Nghệ, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong việc tư vấn, góp ý xây dựng chính sách phát triển của tỉnh, kết nối đầu tư, thực hiện công tác an sinh xã hội…Thay mặt lãnh đạo tỉnh, xin trân trọng cảm ơn về những tình cảm, sự đóng góp quan trọng của Câu lạc bộ Nhà báo xứ Nghệ và Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh đã giành cho tỉnh nhà trong suốt thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghệ An vẫn còn những khó khăn, thách thức cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới như:
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm có xu hướng tăng, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán. Hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Công tác xúc tiến đầu tư gặp khó khăn, do nhà đầu tư không thể trực tiếp đến khảo sát, triển khai thủ tục đầu tư. Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án tại Khu công nghiệp Vsip, WHA, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Nam Cấm.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; năng lực chỉ đạo, điều hành, phối hợp của một số cấp, ngành, địa phương còn hạn chế;
Nghệ An vẫn là tỉnh chưa khá, thu ngân sách mới đáp ứng 70% chi, đây là vấn đề đáng quan tâm nhất, là mục tiêu phải phấn đấu lớn nhất trong những năm tới.
Bước vào năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra 28 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 8,5-9,5%, thu ngân sách đạt 20.000 tỷ đồng, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,0-1,5%...

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, vừa ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó tập trung hoàn thành các nội dung lớn:
- Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện.
- Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Thứ ba, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ thu hút đầu tư; trong đó tập trung hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các nhà đầu tư hạ tầng (VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt). Rà soát, xử lý dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh để có giải pháp xử lý có hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các điều kiện xây dựng Đề án điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Đông Nam để hình thành Khu kinh tế Nghệ An với diện tích trên 80.000 ha; triển khai đề án mở rộng không gian đô thị thành phố Vinh theo Quyết định số 827 ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tiếp tục phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm như giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng cảng biển, sân bay...; tập trung triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Thứ năm, tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao tạo tiền đề thu hút các dự án đầu tư lớn mang tính động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ sáu, thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Nghệ An đã chọn năm 2022 là năm chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực liên quan đến thủ tục cho doanh nghiệp, người dân, các dịch vụ công. Tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thực hiện phương châm: Nhanh - Đúng - Hiệu quả; thay giải thích, giải trình bằng giải pháp, giải quyết.
Rất mong sự quan tâm, đồng hành tích cực của tất cả các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo xứ Nghệ và Hội Doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh trên hành trình phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía bắc vào năm 2025, của cả nước vào 2030.