Phải thể hiện rõ đây là biện pháp quản lý hành chính
Dự án Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là dự án Pháp lệnh đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV xem xét, thông qua. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, “đây là một nội dung khó, liên quan trực tiếp đến quyền trẻ em, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo”.
Mục đích ban hành Pháp lệnh này là nhằm bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất khi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực và quy phạm quốc tế dành cho người dưới 18 tuổi; thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền con người, quyền của người dưới 18 tuổi.
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, dự thảo Pháp lệnh sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị nghiện ma túy. Việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội; bảo vệ quyền của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trình tự, thủ tục tư pháp với tinh thần và nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người dưới 18 tuổi.
Thống nhất với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương còn băn khoăn quan điểm của cơ quan thẩm tra, đó là, việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thực chất đây là biện pháp quản lý hành chính, trong quản lý hành chính có giáo dục, thuyết phục, tạo điều kiện, thuyết phục và xử lý. Nhưng xử lý ở mức nào, có nhiều mức xử lý khác nhau (trong đó có biện pháp bắt buộc như quy định của dự thảo Pháp lệnh). Chúng ta coi đây là bệnh, phải chữa bệnh, và phải thể hiện rõ đây là biện pháp quản lý hành chính.
Bên cạnh đó, dự thảo Pháp lệnh cần được rà soát kỹ, bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp, các luật có liên quan, nhất là Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương, là giai đoạn có sự thay đổi về tâm sinh lý, nếu hành xử thiếu thận trọng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, để lại di chứng khó khắc phục, tạo thêm gánh nặng cho gia đình, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của đất nước.
Trong khi đó, Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong hồ sơ dự án Pháp lệnh mới chỉ nêu rõ những mặt tích cực, mà chưa chỉ ra những mặt bất lợi, những tác động của chính sách được quy định trong dự thảo Pháp lệnh đối với lứa tuổi này như thế nào, nhất là tác động xã hội, giải pháp thực hiện, lý do lựa chọn giải pháp. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần đánh giá tác động cụ thể hơn, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực giáo dục, tâm lý học, y tế, nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội, qua đó thể hiện đầy đủ trách nhiệm của toàn xã hội đối với lứa tuổi này.
Bảo đảm các quyền của trẻ em
Một vấn đề cũng được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là thực trạng của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi hiện nay ra sao. Báo cáo đánh giá tác động dự án Pháp lệnh cũng chưa làm rõ điều kiện vật chất như cơ sở cai nghiện, nhân lực có đáp ứng được yêu cầu thực hiện các quy định đề xuất tại dự thảo Pháp lệnh hay không. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường lo ngại có thể quá tải khi thêm đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đưa vào cơ sở cai nghiện, cùng với đó là việc bảo đảm điều kiện học hành của các em như thế nào.
Dự án Pháp lệnh này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải xem xét thận trọng, thấu đáo. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ làm tăng khối lượng công việc của TAND cấp huyện, có tác động tới quyền con người, quyền công dân, quyền trẻ em, tác động tới xã hội, vấn đề kinh tế, ngân sách… Do đó, phải đánh giá được khi Pháp lệnh được thông qua thì số lượng người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ tăng lên bao nhiêu, dự kiến nguồn lực đầu tư là bao nhiêu. "Đây là vấn đề liên ngành, nên từng bộ, từng cơ quan đều phải có ý kiến, đánh giá kỹ tác động". Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh. Chúng ta điều chỉnh về trình tự, thủ tục, nhưng có liên quan rất chặt chẽ đến nội dung. Không thể nói trình tự, thủ tục tách riêng với nội dung. Viện Kiểm sát Nhân dân phải kiểm sát việc tuân thủ pháp luật, chứ không thể chỉ kiểm sát về trình tự, thủ tục trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở bắt buộc như quy định của dự thảo Pháp lệnh.
Đối với quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quy định ngay trong Pháp lệnh, thay vì đề xuất thực hiện như quy định trong Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Bởi lẽ, hiệu lực của Nghị định thấp hơn Pháp lệnh. Hơn nữa, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định điều kiện áp dụng cho cả đối tượng là người trên 18 tuổi, chưa phù hợp với đối tượng là người dưới 18 tuổi.
Trên cơ sở ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện Báo cáo chỉnh lý, tiếp thu, giải trình và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 24.3 tới.
Anh Thảo