Các đại biểu nhấn mạnh, các đối tượng là người lao động trực tiếp, có nhiều thành tích trong công tác, có đóng góp, ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội cần được tăng cường khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích kịp thời.

Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (TP. Hà Nội) cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng trước đây đã có các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng cho người lao động trực tiếp như công nhân và nông dân nhưng đối tượng chưa đầy đủ, việc quy định chưa cụ thể, tiêu chuẩn chung chung, định lượng thấp nên tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra.

Khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, dự thảo Luật có nhiều điểm mới nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, dự thảo Luật đã chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động, có nhiều thành tích trong công tác; cá nhân, tập thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội… Đồng tình với những quy định mới, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc làm tốt công tác khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sẽ tạo ra sự lan tỏa trong xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển, tạo động lực cho sự phát triển chung của đất nước.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá cao việc dự thảo Luật đã cơ bản giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân khi bổ sung quy định cụ thể đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học và các tổ chức kinh tế khác được khen thưởng huân chương lao động các hạng, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của các bộ, ban, ngành, tỉnh; bổ sung những nguyên tắc xếp hạng tôn vinh, trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp...

Đại biểu nêu thực tế, trong 5 năm từ năm 2016 - 2020, chỉ có 177 cá nhân lao động trực tiếp trong khu vực doanh nghiệp tư nhân được Chủ tịch Nước khen thưởng, chiếm tỷ lệ 0,05% tổng số cá nhân được vinh danh; chỉ có 568 cá nhân lao động trực tiếp được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, chiếm tỷ lệ 2,17%. Đây là con số rất khiêm tốn. Đại biểu tin tưởng rằng, với những nội dung mới của dự thảo Luật lần này, khi được Quốc hội xem xét thông qua, công tác khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân sẽ được tăng cường, góp phần động viên, khích lệ, thúc đẩy khu vực này ngày càng phát triển.

202204050647022022032819261724167a46-81b7-4f41-b18d-906fdf3fdd5e--n1.jpg
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu

Cụ thể hóa hơn các tiêu chí, tiêu chuẩn

Mặc dù quy định về khen thưởng người lao động trực tiếp, khen thưởng cá nhân, tập thể trong khu vực kinh tế tư nhân đã được đề cập nhiều trong dự thảo Luật, nhưng các đại biểu cũng cho rằng, các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ quan có thẩm quyền đề nghị khen thưởng… vẫn còn chung chung, dẫn đến khó khả thi. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền khen thưởng đối với doanh nghiệp. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, nên quy định ngay trong dự thảo Luật những nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền trình khen thưởng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tư nhân, làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết sau này.

Cùng băn khoăn về quy trình, thủ tục và cấp có thẩm quyền đề nghị khen thưởng đối với đối tượng thuộc khu vực ngoài Nhà nước, ĐBQH Trương Xuân Cừ (TP. Hà Nội) đề nghị, cần cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn khen thưởng đối với các đối tượng trong khu vực kinh tế tư nhân. Nếu trong dự thảo Luật không ghi thì nghị định, thông tư hướng dẫn phải có để sau này các cơ quan làm về thi đua, khen thưởng thực thi. Đại biểu cũng nêu rõ, với việc dự thảo Luật quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn khen thưởng đối với đối tượng trong khu vực kinh tế tư nhân thì cấp có thẩm quyền đề nghị khen thưởng sẽ không chỉ trình mà còn phải "tìm đối tượng để khen", như vậy mới tạo động lực để những người trực tiếp lao động, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mới phấn khởi, tích cực phấn đấu.

Góp ý về đối tượng, tiêu chuẩn trong các quy định về xét tặng huân chương lao động các hạng, bằng khen của Thủ tướng, của bộ, ban, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, ĐBQH Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) nhận thấy, cách thức phân loại đối tượng gắn với tiêu chí chưa được thể hiện trong dự thảo Luật, nhất là tại các quy định về các hình thức khen thưởng bậc cao như Huân chương Độc lập các hạng Nhất, Nhì, Ba (các Điều 33, 34, 35 dự thảo Luật). Đại biểu cho rằng, quy định tại các điều này không phân loại cụ thể các đối tượng, gắn với đó là các tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp nên sẽ rất khó trong thực tiễn cho việc xét khen thưởng bậc cao đối với đối tượng là công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp hay các tổ chức ngoài nhà nước, trong khi thực tế các đối tượng này có thể có những thành tích rất nổi trội, xứng đáng được xét khen thưởng ở mức cao. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc thêm vấn đề này để bảo đảm vừa thống nhất về kỹ thuật lập pháp giữa các điều, vừa thuận tiện trong việc xét khen thưởng, hướng đến bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng thực sự thiết thực, hướng về cơ sở.

Làm rõ những vấn đề được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, dự thảo Luật đã hoàn thiện chế định thẩm quyền và phân cấp trong thi đua, khen thưởng; các nhóm chính sách đề xuất trong dự thảo Luật đều nhằm hướng mạnh vào khu vực ngoài nhà nước. So sánh với Luật hiện hành, dự thảo Luật thể hiện rất rạch ròi 6 loại hình khen thưởng gồm: khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được; khen thưởng đột xuất; khen thưởng theo phong trào thi đua; khen thưởng theo niên hạn, khen thưởng theo cống hiến và khen thưởng đối ngoại. “Với 6 loại hình khen thưởng này, chúng ta có thể bóc tách ra được 5 vấn đề khen thưởng để hướng tới nguyên tắc “thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, sau khi thiết kế dự thảo Luật theo hướng này, sẽ rất dễ để chúng ta đưa ra quy trình, thẩm quyền khen thưởng đối với đối tượng ngoài khu vực nhà nước, nhất là khi dự thảo Luật phân cấp rất rõ cho các bộ, ngành, Chủ tịch UBND, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu đó là các bộ trưởng, các trưởng ngành cũng như Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong phát hiện cũng như trong thực hiện công tác khen thưởng và đề nghị với cấp trên khen thưởng cá nhân xứng đáng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng khẳng định, sẽ tiếp thu những ý kiến của các đại biểu nhằm hoàn chỉnh dự thảo Luật theo hướng làm rõ hơn một số nội dung, nhất là về tiêu chuẩn đối với các hình thức khen thưởng nhà nước, đặc biệt là khen thưởng cho khu vực ngoài nhà nước tốt hơn.

Nhật An