Tuy nhiên, Luật bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

a-t2-hatangansuong-1.jpg
Hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ và nâng cấp hạ tầng giao thông là yêu cầu bức thiết hiện nay. Trong ảnh: Nút giao thông An Sương (TP.HCM). Ảnh: Đức Thanh

Vẫn tách, nhưng...

Chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, song việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ lại đang được dư luận rất quan tâm, một phần bởi đây là dự án luật nhiều lần được nêu như một điển hình chưa tốt trong xây dựng luật.

Vào cuối năm 2020, đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của nhiều đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Kết quả lấy ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, chỉ có 110 đại biểu tán thành (21,62% tổng số đại biểu), trong khi có tới 302 ý kiến không tán thành (62,79% tổng số đại biểu).

Khi đó, vấn đề làm nóng nghị trường là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an. Qua lấy ý kiến, có đến 321 đại biểu không đồng ý, trong khi số tán thành chỉ có 86 người.

Đương nhiên, cả hai dự luật đều không thể được thông qua vào Kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2021) như tiến độ đã được Quốc hội quyết định.

Sau đó, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất phương án tiếp thu ý kiến đại biểu, xem xét đưa vào chương trình năm 2022 - 2023.

Tại Nghị quyết số 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022, Chính phủ thống nhất đổi tên Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thành Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Riêng về thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, yêu cầu của Chính phủ là cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua; thuyết minh, giải trình về đề xuất giao Bộ Giao thông - Vận tải hoặc Bộ Công an quản lý cần thật sự thuyết phục, có đầy đủ cơ sở vững chắc; nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Như vậy sẽ dễ thuyết phục hơn.

Liên quan vấn đề này, trong một báo cáo gửi Chính phủ vào giữa tháng 1/2022, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết đã có cuộc làm việc cấp bộ trưởng với Bộ Công an và phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ (Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì soạn thảo) gồm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Phía Bộ Công an cho rằng, ngành công an thực hiện nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là phù hợp, vì việc này và việc quản lý sau khi cấp giấy phép là quản lý hành vi của con người để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, liên quan trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội, khác với các loại giấy phép khác.

Bộ Công an cũng nhận xét, hiện nay, nội dung đào tạo còn chưa phù hợp, sát hạch lái xe còn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống chấm điểm tự động, phụ thuộc công nghệ dẫn đến “học mẹo, thi mẹo” không sát với thực tế đi đường, quản lý sau cấp giấy phép lái xe còn đơn thuần, không dựa vào quy trình chấp hành giao thông của người được cấp.

Kiểm soát quyền lực chặt chẽ

Ngoài những lý do trên, Bộ Công an còn nêu nhiều lý do khác để chứng minh quan điểm nên để ngành công an thực hiện nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và việc tách luật là tất yếu.

Tuy nhiên, những lập luận đó dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Trong cuộc tọa đàm được Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức lấy ý kiến các địa phương và hiệp hội về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gần đây, đại diện một số địa phương, trong đó có Thanh Hóa, Khánh Hòa, phản ánh, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh này không đồng tình tách luật, bởi cơ sở của việc này chưa được làm rõ.

Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các nội dung từ kết cấu đường bộ, tổ chức giao thông; tuần tra, kiểm soát cũng như thanh tra giao thông, điều kiện kinh doanh... đều nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Vì thế, để các nội dung này trong một luật sẽ tạo được tính thống nhất, do vậy, không nên tách ra.

Vẫn theo ông Quyền, thời gian qua, ngành giao thông đã quản lý tốt công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Các trung tâm sát hạch được hiện đại hóa, tăng chất lượng giám sát, nhiều nước trên thế giới công nhận giấy phép lái xe của Việt Nam.

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết thêm rằng, hầu hết việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở các nước trên thế giới do cơ quan dân sự quản lý.

Từng thể hiện chính kiến khi Quốc hội khóa XIV xem xét Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, ông vẫn giữ nguyên quan điểm là tách luật để quản lý chuyên sâu hơn là cần, nhưng thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì không nhất thiết phải thay đổi. Với chức năng của mình, Bộ Công an hoàn toàn có thể góp phần làm hạn chế những vi phạm, tiêu cực (nếu có) trong khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và hiệu quả của việc kiểm soát quyền lực không phụ thuộc vào thay đổi thẩm quyền.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh quan điểm là việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái nên do cơ quan dân sự quản lý và về lâu dài, nên xã hội hóa mạnh mẽ hơn khâu này.

Cũng đồng tình quan điểm việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái nên do cơ quan dân sự quản lý, đại biểu Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) cho biết, hiện nay, ở nhiều nước, việc đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe hoàn toàn do cơ quan dân sự đảm nhiệm.

“Kiểm soát quyền lực là cần thiết, song công việc được vận hành theo quy định của pháp luật, giám sát của Quốc hội cũng là một khâu quan trọng của quy trình này. Do vậy, không nhất thiết phải tham gia trực tiếp vào công việc cụ thể nào đó thì mới có thể thực hiện việc kiểm soát quyền lực”, ông Việt phân tích.

Qua quá trình lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, tại Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, có ý kiến cho rằng, gộp hai mảng nội dung do hai bộ chuẩn bị để ban hành một luật chung, trong đó chia nội dung thành hai phần rõ ràng như hai bộ đang chuẩn bị, thì sẽ dễ được Quốc hội đồng thuận hơn.

Tiếp tục giải trình thuyết phục hơn

Theo ý kiến từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020), đa số ý kiến đại biểu không tán thành phương án chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không điều chỉnh nội dung này, tức là chưa tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu. Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá kỹ lưỡng tác động và giúp Chính phủ tiếp tục làm rõ, giải trình thuyết phục hơn để báo cáo Quốc hội.