Tính “luật khung, luật ống” còn khá nhiều
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua (tháng 10.2021), đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh.
Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục quy định thống nhất tại dự thảo Luật về thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở từng cấp; cơ chế phối hợp trong quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim. Trong đó, có trách nhiệm cung cấp công cụ kiểm duyệt, cảnh báo, công cụ cho người xem báo cáo vi phạm, công cụ kiểm soát dành cho trẻ em; xây dựng bộ máy hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong thực hiện hậu kiểm. Thường trực Ủy ban đã tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, bổ sung các quy định tại điểm g, h, i khoản 2 Điều 21. Về trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan sẽ do Chính phủ quy định sau khi Luật Điện ảnh được ban hành.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tính chất “luật khung, luật ống” còn khá nhiều; chưa kể dự thảo Luật quy định chưa rõ ràng. “Đọc cả Điều 21, nếu tôi là nhà làm phim nhìn vào đây thì không biết sẽ làm kiểu gì”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn. Ví dụ, khoản 2, Điều 21 dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định theo Điều 18 luật này và các quy định tại các điểm: a, b, c, d, đ, e, g, h, i của Điều 21 dự thảo Luật. Tiếp đó, đến khoản 6, Điều 21 dự thảo Luật ghi: Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 2, Điều 4. Dẫn ra một số quy định chung chung trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định như vậy vừa “mênh mông bể sở”, vừa "nhiều chốt, khóa", rất khó thực hiện.
Theo điểm d, khoản 2, Điều 21 dự thảo Luật, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng. Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Theo quy định này, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bằng hình thức nào? Dự thảo Luật cần quy định rất cụ thể hình thức thông báo là gì, thời hạn thông báo bằng gì, thư điện tử có được không và trả lời thế nào… Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cũng liên quan đến phổ biến phim trên mạng, dự thảo Luật quy định thống nhất việc thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng nhằm bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời, bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng. Nhất trí với phương án chuyển sang “hậu kiểm” đối với phổ biến phim trên không gian mạng, song Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần có cơ chế phát hiện, khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm trong công tác “hậu kiểm”. Mặc dù dự thảo Luật thống nhất quy định việc thực hiện “hậu kiểm” đối với phim được phổ biến trên không gian mạng, nhưng nếu có nội dung mà nhà sản xuất phim đang còn lăn tăn và đề nghị cơ quan nhà nước cho ý kiến trước khi phát hành, nói cách khác là “tiền kiểm” trước khi phát hành thì ta có làm không, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung một số quy định nhằm tăng cường kiểm soát, là cơ sở cho công tác hậu kiểm, để hoàn thiện nội dung này; tránh bỏ sót những nguy cơ ảnh hưởng về chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
“Nên hỏi các nhà làm phim cần được hỗ trợ nhất là gì?”
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5, Điều 6, Điều 41), dự thảo Luật quy định khái quát về chính sách ưu đãi tín dụng, thuế và đất đai nhằm thúc đẩy đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển điện ảnh.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nếu quy định như dự thảo Luật mà chúng ta không sửa đồng bộ trong Luật Thuế giá trị gia tăng thì sẽ không có tính khả thi. Còn nếu quy định như dự thảo Luật, thì phải sửa đồng bộ Luật Thuế giá trị gia tăng, nhằm cụ thể hóa chính sách thuế ưu đãi đối với phim của nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị, cần quy định rõ trường hợp nào nhà đầu tư nước ngoài được hưởng chính sách ưu đãi, khuyến khích làm phim, quảng bá, phát triển điện ảnh tại Việt Nam. Đồng thời, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế xem các nước khác có chính sách ưu đãi như thế nào nhằm khuyến khích đưa các đoàn làm phim nước ngoài vào quảng bá, phát triển cho công nghiệp điện ảnh trong nước. Đánh giá tác động những chính sách như thế đã đủ thuyết phục để đưa nhà làm phim nước ngoài vào chưa?
Dự thảo Luật cần quy định cụ thể chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh. Nhấn mạnh quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu không có quy định trong Luật thì sau này khi sửa luật về thuế và các luật chuyên ngành khác, chúng ta sẽ không có căn cứ để quy định chính sách ưu tiên, ưu đãi cho các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội, "nên hỏi các nhà làm phim xem người ta cần hỗ trợ nhất là gì", tránh tình trạng “luật quy định những thứ người ta không cần, hoặc cái cần thì luật lại không quy định”, đặc biệt cần tránh tình trạng quy định chung chung.
Kết luận nội dung này tại Phiên họp thứ Chín, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc bổ sung các chính sách mới, đặc thù của Nhà nước hỗ trợ phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh là cần thiết, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển. Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nhằm bảo đảm tính khả thi của các chính sách mới này, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý.
Nhật An