Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần đánh giá cụ thể, thuyết phục hơn tác động của quy định tiền kiểm, hậu kiểm phim trên không gian mạng; vai trò quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm; quy định về chủ thể phát hành phim trên không gian mạng... nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ đối với hoạt động này.

Tạo điều kiện phổ biến phim trên không gian mạng

Điều 21 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim cùng các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, phương án hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng là xu hướng chung trên thế giới, đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta và thống nhất trình Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ Hai, phương án này đã được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Do vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất thực hiện hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng.

20220403232253hau-kiem--n1.jpg Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua Ảnh: Hồ Long

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhận thấy, phổ biến phim là hoạt động có tác động lớn tới an ninh, quốc phòng, an toàn, đạo đức xã hội. Hoạt động kinh doanh dịch vụ phổ biến phim được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, để quản lý tốt việc phổ biến phim trên không gian mạng, cần xác định rõ chủ thể, trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Điều 21 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo hướng: sửa đổi quy định về chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng là cơ sở điện ảnh phổ biến phim; cơ sở phổ biến phim trên không gian mạng phải thực hiện tự phân loại phim trước khi phổ biến, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phân loại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả tự phân loại phim; bổ sung quy định cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để cha, mẹ, hoặc người giám hộ tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng công cụ hỗ trợ quản lý nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật; bổ sung quy định UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh trên địa bàn quản lý; bổ sung quy định cấm hành vi phổ biến phim trên không gian mạng mà không tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại theo quy định của Luật này. Bên cạnh đó, rà soát các quy định liên quan tại Điều 18 dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất.

Hạn chế thấp nhất "mặt trái" khi hậu kiểm

Nhất trí với phương án hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho rằng, đây là phương án phù hợp với xu thế hiện nay. Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) lưu ý rằng, việc thực hiện hậu kiểm phải phù hợp với điều kiện và năng lực quản lý trong nước. Do đó, cần cân nhắc, tính toán để hạn chế ở mức thấp nhất “mặt trái” của biện pháp hậu kiểm, không để lọt những tác phẩm nhạy cảm, xấu, độc, ảnh hưởng về chính trị, văn hóa, con người và những vấn đề khác mà thực tiễn đặt ra. Thực tế cho thấy, thời gian qua, chúng ta đều có Hội đồng thẩm định rất chặt chẽ từ khâu duyệt kịch bản phim đến khâu sản xuất phim. Tuy nhiên, vẫn có những bộ phim khi công chiếu, công chúng phát hiện ra mới thấy những chỗ hở trong bộ phim đó và làm thiệt hại cho người sản xuất. Vai trò quản lý nhà nước đối với vấn đề này như thế nào? Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cũng cho biết, chưa tìm thấy nội dung này để có cơ sở xử lý trách nhiệm trong dự thảo Luật. Do đó, đại biểu đề nghị, cần có quy định cụ thể hơn nhằm quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, việc tiền kiểm hay hậu kiểm cần xuất phát từ bản chất của điện ảnh. Đây là lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Một tác phẩm điện ảnh một khi đã được phát hành ra công chúng thì không thể thu hồi từ tâm trí của người xem, người tiếp nhận. Đặt yếu tố này trong bối cảnh thể chế chính trị, truyền thống văn hóa nước ta thì việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia có thể chế chính trị khác nước ta cũng cần được xem xét thấu đáo, thận trọng. Đại biểu cho rằng, Báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này còn thiếu thông tin và đề nghị, cần đánh giá kỹ hơn tác động của việc thực hiện cơ chế “hậu kiểm”, bổ sung cơ chế xử lý sau hậu kiểm để Quốc hội xem xét, quyết định.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, xem xét bổ sung quy định phối hợp công - tư trong quản lý, phổ biến phim trên không gian mạng, kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm. Cụ thể, nên bổ sung vào dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc, xác định các tiêu chí chung, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết các dấu hiệu mà một bộ phim có khả năng ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, truyền thống văn hóa. Trên cơ sở đó, chủ thể phổ biến phim nếu xác định phim có một trong những dấu hiệu này phải gửi Hội đồng thẩm định để phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng. Đối với các phim khác, chủ thể phổ biến phim tự quyết định và chịu trách nhiệm.

Làm rõ thêm về trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý phim phổ biến trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nếu chỉ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm trách nhiệm vụ này thì Bộ chưa đủ công cụ để quản lý, kiểm soát mà cần phải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… Do vậy, dự thảo Luật quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong việc phổ biến phim trên không gian mạng.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, đây là vấn đề rất mới phát sinh trong thực tiễn và nội dung này trong dự thảo Luật được thiết kế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến phim trên không gian mạng. Đây cũng là một trong những chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh trong bối cảnh dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới.

Liên quan đến quản lý phim trên không gian mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho biết thêm, ngoài Điều 21 dự thảo Luật quy định vấn đề này còn có Nghị định 72 của Chính phủ, Luật An ninh mạng cũng là những cơ sở pháp lý để quản lý các sản phẩm thông tin tuyên truyền trên không gian mạng, kể cả phim trên mạng. "Chúng tôi đã thiết kế lại toàn bộ Điều 21 cố gắng mở theo hướng hậu kiểm, nhưng hậu kiểm này được bảo đảm chặt chẽ", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh.