Tuy nhiên, các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế sáng qua chỉ rõ, yêu cầu đặt ra khi xây dựng một đạo luật riêng, cũng như khi sửa đổi toàn diện Luật hiện hành là phải xác lập một quy trình thực hiện riêng biệt cho dầu khí, và là một quy trình đủ rõ, đủ cụ thể để có thể thực hiện ngay.

Phải gia công hơn nữa các quy định mang tính đặc thù

Quy định về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Kinh tế sáng qua. Cho ý kiến về quy định tại Điều 4, dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ, quy định như tại Khoản 2, Điều 4 “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện theo quy định của Luật” không cần thiết đưa ra tại dự thảo Luật. Bởi lẽ, quy định này trùng với quy định chung về nguyên tắc áp dụng pháp luật được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) quy định "mang tính nhắc lại quy định tại Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi không giải quyết được vấn đề đặt ra trong trường hợp các luật ban hành sau Luật này có quy định cũng được áp dụng đối với các nội dung nêu trên”.

Thay mặt Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đặt vấn đề “xử lý mối quan hệ giữa Luật Dầu khí với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các luật khác có liên quan” với Ban soạn thảo dự án Luật này. Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 4 Luật Đầu tư - đạo luật gốc về hoạt động đầu tư, đã quy định về nguyên tắc trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, thì các luật này sẽ phải xác định nội dung cụ thể thực hiện hoặc không thực hiện theo Luật Đầu tư. Dẫn quy định tại đạo luật gốc về đầu tư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Hồng Nguyên đề nghị, trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải xác định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí nào thực hiện theo Luật Dầu khí, hoạt động nào vẫn thực hiện theo Luật Đầu tư?

Tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng có một số nội dung có tính đặc thù liên quan đến thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước so với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Luật Đấu thầu hiện hành cũng chỉ loại trừ các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, còn hoạt động thu dọn công trình dầu khí vẫn phải thực hiện theo Luật này. Thậm chí, tại Tờ trình số 1164 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), thì nội dung này vẫn được giữ như quy định hiện hành, không có đề nghị sửa đổi. Chỉ ra những điểm chồng chéo, mâu thuẫn này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Hồng Nguyên đề nghị, các cơ quan chức năng cần làm rõ, có quan điểm nhất quán về nội dung này, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về mối quan hệ giữa dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) với các luật liên quan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, vướng mắc này có thể xử lý khi trả lời câu hỏi vì sao vẫn cần xây dựng Luật Dầu khí trong khi các luật liên quan đã có quy định điều chỉnh với các hoạt động điều tra, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí? Theo đó, xây dựng đạo luật về dầu khí, cũng như sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí hiện hành nhằm xây dựng một quy trình riêng biệt phù hợp với lĩnh vực này. Tất nhiên, quy trình riêng biệt này vẫn bảo đảm tính tương thích với các luật liên quan, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu nêu rõ.

Để thực hiện yêu cầu nêu trên, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu đề nghị, không thể giữ các quy định chung chung, thậm chí Điều 4 tại dự thảo Luật "có thể quy định dài tới 2 trang" cũng phải quy định ngay trong Luật. Hay các quy định về quy trình, thủ tục thực hiện các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác dầu khí cần áp dụng theo thủ tục hành chính riêng cũng phải được quy định rõ ngay tại dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) này. "Nếu không quy định đủ rõ, đủ cụ thể về quy trình riêng biệt với dầu khí, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ vướng vào câu chuyện thực hiện luật này cũng phải thực hiện cả luật khác trong quá trình thực thi Luật Dầu khí (sửa đổi)". Quy trình "khác biệt, đủ rõ, đủ cụ thể" đó, theo Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu, để khi ban hành Luật này có thể áp dụng ngay.

Quy định về ưu đãi thuế như thế nào là phù hợp?

Đóng góp vào dự thảo Luật, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều chung đề nghị cần quy định cụ thể mức thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất xuất khẩu dầu thô, tỷ lệ thu hồi chi phí với một số hoạt động dầu khí. Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thành Trung chỉ rõ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định khung thuế cho hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí từ 30 - 50%, trong khi các mức thuế được quy định tại dự án Luật này vẫn nằm trong khung thuế suất đó. Việc quy định mức thuế suất cụ thể trong luật chuyên ngành không đúng với nguyên tắc các mức thuế suất chỉ được quy định trong luật về thuế đã được các luật gốc quy định.

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết, các luật về thuế hiện đang được nghiên cứu sửa đổi, trong khi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư liên quan đến thuế cần được thực hiện ngay, nhằm đáp ứng đòi hỏi của nhu cầu thu hút nhà đầu tư vào các hoạt động dầu khí. Tuy nhiên, thay vì quy định mức thuế suất cụ thể, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, quy định rõ việc sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể nào trong các luật về thuế liên quan đến lĩnh vực này.

Ở góc độ khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu chỉ rõ, chính sách về ưu đãi đầu tư được quy định tại dự thảo Luật có hai điểm mới, nhưng cũng khó “gói được mong muốn của chúng ta". Bởi, nếu đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp, tỷ lệ thu hồi chi phí ngang bằng các quốc gia khác, thì dự thảo Luật khi ban hành sẽ có nguy cơ "lạc hậu sớm", vì ngay sau đó các quốc gia khác có thể sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan của họ để đưa ra mức thuế ưu đãi cao hơn nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cam kết, sẽ tiến hành rà soát, chỉnh lý quy định về áp dụng pháp luật, vì lĩnh vực dầu khí có đặc thù riêng, không chỉ cần xác định áp dụng theo luật ban hành trước hay luật ban hành sau là đủ. Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cam kết, sẽ có báo cáo giải trình cụ thể với các ý kiến được các đại biểu Quốc hội đưa ra về xử lý mối quan hệ giữa dự án Luật với một số luật cụ thể, chính sách thu hút đầu tư vào các hoạt động dầu khí…

Lê Bình