Trong Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, trước ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “Biện pháp vũ trang”, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và cơ quan soạn thảo đã thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ một điều về giải thích từ ngữ về biện pháp vũ trang và cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát cơ động. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, “Biện pháp vũ trang” là một trong 7 biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia quy định tại Điều 15 của Luật An ninh quốc gia và đã được quy định tại Khoản 14, Điều 16 - nhiệm vụ và quyền hạn của Công an Nhân dân, của Luật Công an Nhân dân năm 2018; đồng thời, Luật Công an Nhân dân cũng đã quy định cụ thể các đối tượng phục vụ trong Công an nhân dân.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi thực hiện các biện pháp công tác, nhất là biện pháp vũ trang của lực lượng chức năng nói chung và lực lượng cảnh sát cơ động nói riêng sẽ động chạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, trong đó có cả trong nước và quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, một số nhiệm vụ của cảnh sát cơ động có quy định tại một số luật, như Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ… nhưng các luật này mới chỉ dừng ở các nguyên tắc chung, chưa quy định cụ thể. “Cá nhân tôi cũng nghiêng về phương án nên nghiên cứu để tiếp tục giữ lại và có thể xem xét bổ sung nữa những gì liên quan đến các luật đã có quy định cho lực lượng cảnh sát cơ động, nhưng mới chỉ tính chất là nguyên tắc chung, chứ chưa có quy định cụ thể, thì nên cụ thể hóa trong luật này cho dễ thực hiện, bảo đảm khi luật ban hành là thực hiện được ngay, không cần phải hướng dẫn”, Chủ tịch Quốc hội gợi mở.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, "biện pháp vũ trang", "sử dụng biện pháp vũ trang" của cảnh sát cơ động là gì thì nên giữ lại. Bởi, đây là những biện pháp hết sức quan trọng. Trong khi đó, khi sử dụng biện pháp vũ trang mà ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, thì theo Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 phải được quy định bằng luật, nếu bỏ mất thì sau này không biết "biện pháp vũ trang" là gì.
Cần cụ thể hóa quyền hạn, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động
Để làm rõ nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, trong dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung 3 điều mới (Điều 11 - Điều 13). Theo đó, Điều 11 quy định về bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt. Điều 12 quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự. Điều 13 quy định về việc vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân.
Mặc dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề: Tại sao chúng ta có 6 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động được quy định ở Điều 8, Điều 9, nhưng chỉ lấy ra 2 nhiệm vụ và một quyền hạn để quy định cụ thể, còn 9 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khác thì như thế nào? Không cần thiết phải quy định cụ thể hay đã được quy định ở đâu? - “chỗ này cần phải làm rõ thêm...", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu vấn đề.
Phân tích vấn đề dưới góc độ khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về biện pháp công tác, biện pháp vũ trang đã quy định khá đầy đủ, nhưng cái chính của lực lượng cảnh sát cơ động đó là chống bạo loạn, chống khủng bố thì cần rà lại để thể hiện được trong dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Nghị quyết 40 ngày 8.11.2004 của Bộ Chính trị có nói: "Tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động chống bạo loạn, khủng bố, bố trí lực lượng này ở những địa bàn trọng điểm với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất". Do đó, cần xem lại toàn bộ dự án Luật đã bảo đảm được nguyên tắc này và yêu cầu này hay chưa?
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản là rõ, nội dung giải trình có căn cứ. Về quyền hạn, dự thảo đã dự kiến tiếp thu, chỉnh lý thể hiện được quan điểm của đại biểu Quốc hội, không chồng chéo về quyền hạn với lực lượng khác. Tuy nhiên, do thực hiện quyền hạn cảnh sát cơ động có liên quan nhiều đến quy định pháp luật, đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi, tránh lạm quyền.
Trung Thành