Cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện?
Quán triệt quan điểm thanh tra là "tai mắt của trên, là bạn của dưới" và mục đích hoạt động thanh tra nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước, trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ đề cao vai trò và rõ trách nhiệm hơn của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kết luận, kiến nghị thanh tra, nâng cao việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình. Cũng trên cơ sở để thực hiện yêu cầu nêu trên, theo Tờ trình của Chính phủ, tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính cũng được đề xuất theo ba cấp như hiện nay, bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật này, trong Thường trực Ủy ban Pháp luật thể hiện hai loại ý kiến. Bên cạnh một số ý kiến đồng tình với phương án được Chính phủ đề xuất, thì nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện. Theo đó, sẽ không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện để giúp giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (713 thanh tra huyện), phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng “dàn đều” nhưng quá mỏng về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thanh tra cấp tỉnh.
Không đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, thanh tra ở cấp huyện đến giờ này "rất cần thiết", thậm chí còn "rất quan trọng". Thực tế, hiện ở cấp xã không có thanh tra, trong khi đó, cấp huyện vừa là một cấp chính quyền, vừa là một cấp ngân sách, Chủ tịch UBND cấp huyện cũng có thẩm quyền trong thu hồi và giao đất. Thực tế này đòi hỏi mọi công việc của Chủ tịch UBND cấp huyện và xã cần cơ quan thanh tra.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, quy định tại Luật Khiếu nại, trước khi ban hành một quyết định hành chính phải đối thoại với dân, mà "đối thoại với dân thì cũng phải có cơ quan thanh tra thực hiện". Trong khi đó, ở phường, xã, cơ sở hiện nay, công việc càng ngày càng phức tạp, nếu chúng ta bỏ đi vai trò của thanh tra cấp huyện sẽ bị "thiếu vắng" thanh tra ở một cấp chính quyền. Nếu từ huyện đến phường, xã không có cơ quan nào tiến hành thanh tra, kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lo ngại “khi đó thanh tra cấp tỉnh không thể nào với tay xuống”. Do vậy, không chỉ ủng hộ phương án tổ chức thanh tra hành chính theo ba cấp, giữ thanh tra cấp huyện như Chính phủ đề xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị phải "tăng cường thêm vai trò và nhân lực cho thanh tra cấp huyện".
Qua làm việc với Thanh tra Chính phủ về tổ chức biên chế hệ thống thanh tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, tổ chức hệ thống thanh tra ở nước ta theo "hình nón lộn ngược" - ở trên thì nhiều nhưng dưới cơ sở quá ít. Điều này khiến thanh tra cấp huyện có biên chế ít, nhưng khối lượng công việc nhiều. Do đó, khi tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra theo ba cấp hành chính như hiện hành cần chú ý quan tâm tăng cường năng lực cho thanh tra cấp huyện, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực
Không những tán thành phương án tổ chức các cơ quan thanh tra theo ba cấp hành chính, mà nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung chức năng của cơ quan thanh tra. Tại Điều 5, dự thảo Luật quy định, cơ quan thanh tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Nêu câu hỏi "ba chức năng này của cơ quan thanh tra đã đáp ứng đòi hỏi thực tế hay chưa", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, bên cạnh ba chức năng được dự thảo Luật quy định cần bổ sung chức năng "phòng, chống tiêu cực". Cùng với đó, cần rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bổ sung vào các điều khoản liên quan, để sau khi ban hành, thanh tra có thể thực hiện được ngay chức năng phòng, chống tiêu cực. Việc bổ sung chức năng này không chỉ giúp hình thành đầu mối theo dõi công tác phòng, chống tiêu cực, mà còn đáp ứng yêu cầu thực hiện phòng, chống tiêu cực ở doanh nghiệp ngoài nhà nước theo Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành (về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực). Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu thực tế, vừa qua, thông qua một số vụ việc điều tra tại doanh nghiệp ngoài nhà nước cho thấy có "lỗ hổng" quản lý ở khu vực này, đòi hỏi cần bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực cho lực lượng thanh tra, góp phần đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.
Cùng với việc bổ sung chức năng cho lực lượng thanh tra, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, cần có quy định chung và riêng đối với quy trình, thủ tục thanh tra, thay vì phương án chỉ có một quy trình chung như trong dự thảo Luật. Bởi, quy trình, thủ tục với thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành sẽ có những điểm khác nhau nhất định, thậm chí giữa hai hình thức thanh tra theo kế hoạch và đột xuất cũng khác nhau. Nếu có quy trình chung thì chỉ nên là quy trình mẫu, tất cả các cuộc thanh tra đều phải theo mẫu số chung này, nhưng tùy từng lĩnh vực sẽ có quy trình thanh tra cụ thể phù hợp với đặc thù riêng. “Quy định theo hướng này vừa cụ thể với từng chuyên ngành, vừa không thoát ly ra khỏi các quy định pháp luật về nguyên tắc chung của thanh tra”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ.
Tán thành với quan điểm phải cân bằng giữa tính đa dạng và tính thống nhất trong thực hiện quy trình, thủ tục thanh tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, quy định tại Điều 43 về phân cấp giao bộ trưởng, thủ trưởng ngang bộ và cơ quan khác có trách nhiệm hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành này phải phù hợp với quy trình, thủ tục khung được dự thảo Luật quy định. Như vậy, sẽ vừa cụ thể hóa quy trình, thủ tục theo từng chuyên ngành, vừa có một khung để thống nhất trong thực hiện, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với cái nhìn tổng thể và dài hạn, tán thành với các quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật Thanh tra lần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát để quán triệt và cụ thể hóa tối đa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra, thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Đặc biệt lần này chúng ta cũng đưa ra các sửa đổi cần thiết để khắc phục được hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra, bảo đảm sau khi ban hành có điều kiện để xây dựng một ngành thanh tra “thực sự trong sạch, thực sự vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần quan trọng để nâng cao năng lực quản lý nhà nước và quản lý xã hội”.
Lê Bình