Chỉnh lý, hoàn thiện 10 nhóm chính sách, tập trung vào 5 nhóm giải pháp

Theo Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Tám, trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Năm (theo Thông báo số 527/TB-TBTTKQH ngày 26.11.2021 của Tổng Thư ký Quốc hội), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, cụ thể: làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua các giải pháp nhằm nâng cao quản lý chất lượng người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về phạm vi của dự án Luật, đã phân định rõ giữa công tác khám bệnh, chữa bệnh và y tế dự phòng. Theo đó, tại dự án Luật trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này sẽ chỉ quy định về vấn đề khám bệnh, chữa bệnh và các nội dung liên quan đến dự phòng, bao gồm: nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần), phòng, chống bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân sẽ được quy định trong dự án Luật về phòng bệnh. Bên cạnh đó, việc cho phép sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để chi cho một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có tính chất dự phòng như tầm soát ung thư sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm y tế.

Chính phủ cũng đã rà soát lại toàn bộ các chính sách để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”. Theo đó, đã chỉnh lý và hoàn thiện 10 nhóm chính sách. Đó là tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề. Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Tăng cường quản lý hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Quy định về mô hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Cùng với đó là đổi mới quy định về phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; quy định về bảo đảm an ninh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề; quy định về sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng; quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

10 nhóm chính sách này tập trung vào 5 giải pháp: nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân tại các vùng miền, công bằng giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Làm rõ hơn bất cập trong thi hành Luật giai đoạn 2019 - 2021

Tại Phiên họp thứ Năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 11.2021), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận thấy, báo cáo của Bộ Y tế tổng kết 11 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nhưng nội dung chi tiết trong báo cáo mới thể hiện đến năm 2018. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần làm rõ thêm việc thi hành Luật trong các năm 2019, 2020, 2021. Đánh giá tác động chính sách của dự án Luật cũng chưa bảo đảm tính toàn diện về nội dung, lĩnh vực, thời điểm báo cáo, các mô hình thí điểm để tổng kết, đánh giá, nhất là thực tiễn công tác khám, chữa bệnh trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Y tế đã chỉnh lý Báo cáo đánh giá tác động theo hướng bổ sung, cập nhật đánh giá tác động đối với 10 nhóm chính sách đã nêu trên. Trong đó, tập trung đánh giá tác động đối với quy định bỏ cấp phép hành nghề đối với chức danh y sỹ; sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh; kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề; phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi; bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng đã chỉnh lý Báo cáo tổng kết 11 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 theo hướng cập nhật, bổ sung, phân tích, làm rõ hơn các tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành Luật giai đoạn 2019 - 2021. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến dịch Covid-19, như vấn đề điều động nhân lực, giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, vấn đề khám bệnh, chữa bệnh từ xa, vấn đề kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh... Đồng thời, bổ sung đánh giá về tình hình thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình; đánh giá về tình hình quy định liên doanh, liên kết thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế nhà nước với cơ sở y tế tư nhân; cập nhật nội dung đánh giá về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cơ quan trình đã chỉnh lý nội dung của dự thảo Luật theo hướng bổ sung các quy định về quy trình cấp giấy phép hoạt động; về sử dụng, điều động nhân lực, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng, chống dịch (nội dung chi tiết kèm theo).

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022).

01...A%CC%89nh%20Quy%CC%80nh%20Hoa.jpg
Ảnh: Quỳnh Hoa

Phải bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện mới trình ra Quốc hội

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) từng bị rút khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 vì chưa đủ điều kiện trình Quốc hội, với các lý do cụ thể. Đó là các chính sách mới phát sinh chưa được giải trình thuyết phục về sự cần thiết để tạo sự minh bạch và rõ ràng trong thiết kế chính sách. Một số quy định hiện hành được sửa đổi, một số chính sách mới được bổ sung nhưng chưa có đánh giá tác động đầy đủ, hoặc chưa được nêu trong quá trình tổng kết để thấy được sự cần thiết của việc sửa đổi và quy định mới các chính sách này. Bên cạnh đó, một số quy định của dự thảo Luật chưa thống nhất với các luật khác. Nhiều chính sách, vấn đề lớn của dự án Luật chưa nhận được sự đồng thuận của các bộ liên quan trực tiếp, chưa có sự thống nhất cao trong nội bộ Ban soạn thảo dự án Luật.

Gần đây nhất, tại Phiên họp thứ Năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 11.2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục không đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung nội dung này vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng với lý do: hồ sơ dự án Luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Để tránh những “vết xe đổ” trước đây, dự án Luật trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này phải bảo đảm chất lượng, đáp ứng đủ điều kiện về hồ sơ, tài liệu, nội dung chính sách… Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh yêu cầu đối với nội dung này trong phát biểu khai mạc Phiên họp thứ Tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tập trung xem xét kỹ lưỡng điều kiện về hồ sơ, tài liệu, nội dung chính sách đề ra trong dự án Luật có bảo đảm khắc phục được những hạn chế, bất cập, giải quyết được những vấn đề mới phát sinh để nâng cao chất lượng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, thể chế hóa được tinh thần, chủ trương của Đảng liên quan đến Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới hay không, tránh việc thông qua cho đủ thủ tục nhưng khi trình Quốc hội lại không bảo đảm chất lượng.

Trong những lần xem xét trước đây, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đều thể hiện rõ chính kiến “dứt khoát không đánh đổi chất lượng lấy tốc độ ban hành thể chế”, nếu dự án Luật đủ điều kiện mới bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022).

Nhật An