Thi công dở dang

Cầu Khe Thị tại Km0+956, giáp ranh 2 xã Thành Sơn và Đỉnh Sơn được xây dựng gần 01 năm nhưng chỉ mới thi công xong hạng mục gồm: cọc khoan nhồi D100 dài 15m của 2 mố M1 và M2; thi công xong mố M1 và bệ mố M2; thi công xong 4 dầm T33 và hiện đang dừng thi công do chưa bố trí được nguồn vốn. Được biết, dự án “Đường giao thông cứu nạn, cứu hộ tả ngạn sông Con” có 10 cầu trong đó có 6 cầu có chiều dài 33m, 3 cầu 24m và 1 cầu 15m. Hiện tại cây thứ 5 trên tuyến đã được xây dựng nhưng có 1 cầu ở xã Bình Sơn tại Km10 đã hoàn thành khoảng 80%, còn 4 cầu khác trong tình trạng thi công dở dang.

Cau-Khe-Thi-giap-ranh-xa-Thanh-Son-thi-cong-do-dang-va-.jpeg
Cầu Khe Thị giáp ranh xã Thành Sơn (Anh Sơn) thi công dở dang

Có mặt tại cung đường này sau trận mưa, con đường đất bùn lầy lội, lởm chởm ổ trâu trải khắp tuyến. Đi sâu vào phía trong, chúng tôi bắt gặp nhiều chiếc cầu bê tông bắc qua các đập tràn, khe suối… nhưng đều trong tình trạng thi công dở dang. Đang mùa gặt lúa, anh Lang Văn Mão ở xã Đỉnh Sơn tranh thủ vận chuyển máy gặt vào gặt lúa thuê cho bà con xã Bình Sơn nhưng việc vận chuyển máy vào vùng này là điều không dễ. Đường sá đi lại gian nan, vất vả hơn, nắng thì bụi bay mù trời, mưa không thể đi lại nổi, đường bùn lầy đi lại rất nguy hiểm. Đây là con đường kết nối các xã vùng đặc thù của huyện Anh Sơn. Khi có thông tin nhà nước đầu tư tuyến đường này, bà con phấn khởi lắm. Thế nhưng, chúng tôi đợi đã hơn 10 năm nay rồi vẫn chưa hoàn thành. Bà con mong chờ dự án hoàn thành, không những phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn mà còn là cơ hội để người dân phát triển kinh tế - xã hội”- anh Lang Văn Mão chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Công Ngọc – Chủ tịch UBND xã Bình Sơn (Anh Sơn) cho biết: Xã Bình Sơn là xã vùng sâu của huyện Anh Sơn, khi có dự án đường cứu nạn đi qua, chính quyền và người dân trong xã rất vui mừng. Nhưng đến nay, sau nhiều năm dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã. Nếu Nhà nước không tiếp tục bố trí nguồn vốn để hoàn thiện tuyến đường này thì địa phương rất khó phát triển kinh tế - xã hội. Vùng này có khoảng 20ha diện tích đất trồng mía, trước khi đưa cây mía vào sản xuất, xã vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng do đường giao thông đi lại khó khăn không vận chuyển được nguyên liệu, người dân bỏ trồng mía. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã quy hoạch đây là vùng trồng chè. Nếu tuyến đường này được hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mở mang vùng kinh tế mới này.

Sớm hoàn thành dự án

Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 134/QĐ-UBND. ĐN ngày 13/1/2010 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình “Đường giao thông cứu hộ, cứu nạn tả ngạn sông Con” với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là hơn 217 tỷ đồng, do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng có chiều dài hơn 13,7 km đường giao thông, theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi; điểm đầu thuộc xóm 7, xã Đỉnh Sơn (nối đường tả ngạn sông Lam) đến điểm cuối thuộc xóm 6, xã Bình Sơn. Xây dựng tuyến đường với phương án thiết kế, nối liền các xã vùng Tả ngạn sông Con, huyện Anh Sơn (xã Đỉnh Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn). Có nhiệm vụ kết nối đồng bộ hệ thống giao thông nhằm phục vụ đảm bảo giao thông cứu hộ, cứu nạn cho Nhân dân vùng tả ngạn sông Con khi có thiên tai xảy ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Theo phê duyệt, dự án được thi công trong thời gian 24 tháng, được chia thành 2 giai đoạn. Tuy nhiên, sau 10 năm dự án chưa hoàn thành.

Cac-hang-muc-cau-thi-cong-do-dang.jpeg
Các hạng mục cầu thi công dở dang

Theo ông Nguyễn Thái Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Anh Sơn: Công trình gặp khó khăn khi huy động nguồn vốn, việc bố trí nguồn vốn dàn trải, nhỏ giọt không tập trung thực hiện dự án, số vốn đã cấp là trên 63,5 tỷ đồng; đồng thời trong quá trình thực hiện phát sinh điều chỉnh hướng tuyến. Không có đường để vận chuyển nguyên, vật liệu vào công trường để thi công. Trong thời gian qua, khi có vốn, một số nhà thầu đã tiến hành làm phần nền, cầu và đường 2 đầu cầu. Riêng huyện Anh Sơn cũng huy động nhiều nguồn vốn để triển khai, trong đó có cả tiền giải phóng mặt bằng, nhằm tháo gỡ từng điểm, tránh tình trạng dang dở, gây ách tắc giao thông. Huyện cũng đã đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện số cầu theo phê duyệt nhằm giải quyết vấn đề thông suốt giao thông, bởi lâu nay đang sử dụng đường tránh.

“Đây là nội dung mà cử tri và Nhân dân huyện Anh Sơn kiến nghị nhiều năm qua tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Địa phương mong muốn UBND tỉnh các sở, ban, ngành có sự khảo sát quan tâm bố trí nguồn vốn để hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến và phục vụ kịp thời cho công tác vận chuyển nguyên liệu mía cho Nhân dân trên địa bàn đáp ứng sự mong mỏi của người dân 3 xã khó khăn nhất của huyện Anh Sơn”- ông Sơn đề xuất.

Bài, ảnh: Lê Thanh