Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí cần có các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ Dự án, tuy nhiên, cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các địa phương nơi có Dự án đi qua để bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả công trình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân sinh của địa phương.

Tính toán kỹ suất đầu tư

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án. Theo ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa), việc đầu tư dự án này thực sự cần thiết để đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia; đảm bảo cho việc liên kết vùng, liên kết các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, vận tải lưu thông hàng hóa, phát triển hình thành các khu đô thị mới, có tác động rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương, đất nước; đặc biệt là việc tạo ra các yếu tố mới.

nguyen-phu-cuong1-17414217png.jpg Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về suất đầu tư, thời gian triển khai, quy mô triển khai Dự án. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, với tổng mức đầu tư sơ bộ 146.990 tỷ đồng làm 729km đường cao tốc Bắc-Nam, tương đương hơn 200 tỷ đồng/km thì suất đầu tư này là khá cao. Cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải tính suất đầu tư căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, song Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách cũng đề nghị “Bộ xem lại vấn đề này”.

Dẫn báo cáo mới đây của Kiểm Toán Nhà nước tính toán suất đầu tư cao tốc Bắc Nam là 152,9 tỷ đồng/km, trong khi Chính phủ đề xuất là 175 tỷ đồng/km (không gồm giải phóng mặt bằng), ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng đề nghị tính toán lại suất đầu tư, về mặt kỹ thuật phải làm rõ. Ông cũng lưu ý, Dự án này liên quan tới hạ tầng kỹ thuật lớn, nhất là đoạn Cần Thơ - Cà Mau có nền đất yếu nên phải tính tới các kỹ thuật thi công, cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo kỹ thuật, an toàn, hiệu quả về kinh tế.

dai-bieu-trinh-xuan-an1.jpg ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu

Chính phủ cũng đề xuất giao cho các địa phương làm chủ đầu tư một số đoạn tuyến để đẩy nhanh tiến độ nhưng ĐB Trịnh Xuân An đề nghị phải hết sức cân nhắc. Trước nay, các dự án cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, do đó việc giao các địa phương triển khai phải có tiêu chí cụ thể, địa phương nào, tuyến nào…

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mức đầu tư này mới là mức dự báo, chưa phải cuối cùng bởi hiện nay chưa lập dự án, chưa thiết kế, chưa lập dự toán, chưa tính phương án đền bù thì chưa thể coi đó là mức đầu tư được. “Hiện nay, mức đầu tư đường cao tốc tính bình quân khoảng 200 tỷ đồng/km. Tuy nhiên, cũng tùy vào nền đất của từng khu vực nên sẽ có nơi cao, nơi thấp. Vấn đề này chỉ là khái toán”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết. Ông cũng nhấn mạnh, khi lập dự án, phê duyệt từng dự án thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội về độ chính xác tổng mức đầu tư của dự án cũng như gói thầu thiết kế dự toán.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Kinh tế cho biết, ý kiến đề nghị thuyết minh việc đã tính toán, rà soát kỹ về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ dự án, bổ sung, làm rõ về cơ cấu chi phí và suất đầu tư đối với các đoạn của dự án và so sánh với các dự án tương tự.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn giúp địa phương giải phóng mặt bằng

Về phương án giải tỏa mặt bằng, ĐB Lê Hữu Trí cho rằng, Dự án chỉ còn 4 năm triển khai. Nếu các chỉ đạo, thủ tục điều hành ở trên không quyết liệt, đền bù không thỏa đáng thì rất khó hoàn thành đúng tiến độ, nhất là chủ trương, chính sách giải quyết các trường hợp đền bù giải phóng mặt bằng khi Dự án đi qua đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, bởi các địa phương hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Nhất trí với phương án tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập và giao cho địa phương tổ chức thực hiện, tuy nhiên, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu thực tế, các địa phương có đường cao tốc đi qua có quy mô ngân sách rất hạn hẹp, chưa thể cân đối nên ngân sách nên Trung ương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cần tạo cơ chế đặc thù như áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; kèm theo yêu cầu tiết kiệm dự toán giá trị gói thầu; gắn với đó là hình thức thưởng tiến độ từ kinh phí tiết kiệm.

Nhấn mạnh về dự kiến quy mô giải phóng mặt bằng, tái định cư để phục vụ Dự án lớn, dễ gây khiếu nại, tố cáo, ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ cùng với việc đảm bảo được tiến độ theo đúng kế hoạch, cần quan tâm đến vấn đề bố trí tái định cư. Bởi “nếu giao trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho địa phương nhưng không có cơ chế về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Người dân khi chuyển đến nơi khác thường gặp khó khăn về tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh. Vì vậy, phải có chế tài gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền ở 12-13 địa phương có tuyến đường này đi qua”, ĐB Cao Thị Xuân nhấn mạnh.

ĐB Lê Hữu Trí cũng đề nghị, cần tăng cường giám sát của Quốc hội, HĐND tại các địa phương có dự án đi qua cũng như vai trò thanh, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong từng khâu nhằm bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả công trình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân sinh của địa phương.

Đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục

Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó dự kiến phần vốn nhà nước bổ sung hơn 72.000 tỷ đồng sẽ cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phân tích, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ trình Quốc hội chủ yếu tập trung thực hiện trong 2 năm 2022 – 2023, có mở rộng sang năm 2024. Dự án được phân chia thành 12 dự án thành phần, trong đó có 10 dự án thành phần là dự án quan trọng quốc gia tức là mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Theo dự kiến, đối với các công trình dự án quan trọng quốc gia, từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công được thông thường mất từ 2-3 năm. Nếu chuẩn bị tốt nhất thì hết năm 2023, sang đến năm 2024 mới khởi công được. Như vậy, vừa không đạt được mục tiêu dòng vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, từ khởi công đến khi thực hiện dự án cũng mất tối thiểu 2 năm nữa, sẽ vượt qua giai đoạn đầu tư công 2021 – 2025.

nguyen-trng-giang.jpg ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu

Để giải quyết vướng mắc này, ĐB Nguyễn Trường Giang đề nghị phân cấp theo hướng Quốc hội phân cấp xuống Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân cấp cho Chính phủ, Chính phủ có thể phân cấp cho Thủ tướng, Thủ tướng phân cấp xuống các bộ… “Đối với dự án quan trọng quốc gia trên 10.000 tỷ đồng hiện nay thẩm quyền quyết định của Thủ tướng có thể phân cấp để Bộ Giao thông vận tải quyết định vấn đề này. Như vậy sẽ giảm trình tự, thủ tục. Trong quá trình thực hiện vẫn đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công, chỉ khác về thẩm quyền”, ĐB Nguyễn Trường Giang cho biết.

Nguyễn Bình