Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu bế mạc hội nghị

Sau 01 buổi làm việc nghiêm túc, khẩn trương, hiệu quả, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện, cụm 1, lần thứ 4, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành chương trình đề ra. 

Hội nghị đã được nghe ý kiến thảo luận của đại diện Thường trực HĐND 7/11 huyện trong cụm, đồng thời nghe ý kiến trao đổi của lãnh đạo các Ban và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Những nội dung thảo luận tại Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024. 

Các đại biểu cũng khẳng định, những kết quả đạt được có sự đóng góp rất tích cực, quan trọng và hiệu quả của cơ quan dân cử từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi những giải pháp, kinh nghiệm, cách làm hay trong tổ chức hoạt động, thực hiện trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử ở địa phương, nhất là quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát việc thực hiện các quyết định đó.

Tập trung 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh: Hiện nay đã qua ½ thời gian của tháng 01 năm 2024, vì vậy đề nghị HĐND tỉnh và cấp huyện khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, chương trình công tác của năm; cùng với đó là chuẩn bị vui Tết, đón Xuân Giáp Thìn 2024. Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, chủ động phối hợp triển khai chương trình công tác năm 2024; vừa triển khai chương trình đề ra, vừa khắc phục tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trong năm 2023. Cụ thể, năm 2023, kinh tế - xã hội toàn tỉnh có 25/28 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, có 3 chỉ tiêu không đạt; tương tự, ở cấp huyện và cấp xã, bên cạnh đạt nhiều kết quả, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt; vì vậy các cấp cần tập trung khắc phục các chỉ tiêu chưa đạt, đảm bảo để đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần vào kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021 – 2025.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Cùng với đó là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, nguồn vốn, thị trường, lao động cho doanh nghiệp, người tham gia sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc thù, sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quan tâm giải ngân vốn đầu tư công; công tác bảo vệ môi trường; hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, hoạt động an sinh xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

 Thứ hai, quan tâm công tác giám sát, đôn đốc việc triển khai và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh. Cụ thể, Quốc hội vừa ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; có nhiều nội dung liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND trong việc xây dựng, ban hành nghị quyết liên quan đến các khoản thu, chi, chế độ phụ cấp cho lực lượng… Cũng tại Kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung thay đổi, như nộp thuế đất; điều kiện chuyển nhượng đất; doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng đất lúa; bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất theo giá thị trường… Khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, có nhiều nội dung, chế tài có liên quan, nhất là các kiến nghị, đề xuất của các địa phương tại Hội nghị này sẽ được điều chỉnh. Đó còn là nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng cần được quan tâm triển khai thực hiện.

Quan tâm đôn đốc triển khai thực hiện các kiến nghị của các đoàn giám sát chuyên đề của HĐND các cấp; các kết luận giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến các huyện, thành, thị xã: như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính, việc xử lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, tổng đội Thanh niên xung phong; triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh ban hành: chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và khối, xóm, bản, chính sách hỗ trợ tàu cá đánh bắt xa bờ, chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và dạy bơi cho trẻ… 

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong chuẩn bị tổ chức kỳ họp, tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư...; quan tâm mối quan hệ công tác giữa HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Trong hoạt động giám sát, chú trọng điều hoà tránh trùng lặp về nội dung, thời gian, địa điểm. Giám sát cần chọn nội dung, chủ đề sát thực, tạo hiệu quả cao sau giám sát. 

Mặt khác, theo Luật Giám sát, hoạt động giám sát của HĐND có 5 cấp: HĐND, Thường trực, các Ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND; tuy nhiên, hiện nay, hoạt động giám sát mới chỉ tập trung ở cấp HĐND, Thường trực và các Ban HĐND, còn giám sát của tổ đại biểu và đại biểu HĐND thì hầu như chưa được tiến hành. Bởi vậy, đây là vấn đề cần được quan tâm để triển khai thực hiện trong năm 2024.

Đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Thông tin, giải đáp một số kiến nghị 

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cũng đã thông tin và trả lời liên quan đến một số đề xuất, kiến nghị của Thường trực HĐND các huyện, như việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; về kiến nghị điều chỉnh diện tích quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn; tháo gỡ vướng của dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện; giải quyết tồn đọng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp; ban hành giá nước ở các công trình nước sinh hoạt tự chảy; chế độ hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn; quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; quan tâm bố trí lãnh đạo các Ban HĐND cấp huyện vào cấp uỷ…