Đồng chí Nguyễn Nam Đình nhấn mạnh 4 nội dung trọng tâm của HĐND các cấp
4 nội dung trọng tâm cần tập trung thực hiện
Bên cạnh ghi nhận, đánh giá cao chất lượng các ý kiến trao đổi tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đã nhấn mạnh 4 nội dung cần tập trung nhằm tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử.
Thứ nhất, đề nghị Thường trực HĐND, các Ban, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh bám sát chương trình công tác năm 2023 của cấp uỷ, chính quyền các cấp để phối hợp đôn đốc triển khai việc khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện đạt ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn, thị trường, lao động cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải ngân đầu tư công; quan tâm công tác bảo vệ môi trường; giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, các hoạt động an sinh xã hội; bảo đảm trật tự, trị an, an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng cháy chống cháy.
Thứ hai, với vai trò cơ quan dân cử, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các Ban HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện tăng cường giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương và tỉnh. Trọng tâm là Chương trình xây dựng dữ liệu dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ; sáp nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025; thực hiện chế độ chính sách mới cho cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, xóm bản theo Nghị định số 33 của Chính phủ (thay thế Nghị định 34 của Chính phủ); chương trình cải cách hành chính, chương trình hỗ trợ các hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Đồng thời với đó là triển khai thực hiện các chế độ, chính sách vừa được HĐND tỉnh ban hành tại kỳ họp thứ 14, gồm chính sách đặc thù hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng bể bơi và dạy bơi cho trẻ; cai nghiện ma tuý, dân số - y tế; hỗ trợ cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa; chính sách hỗ trợ khai thác thuỷ hải sản; vận chuyển hàng hoá và logistics thông qua Cảng Cửa Lò; thực hiện tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng…
Thứ ba, HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhất là trong chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp, tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư; phối hợp công tác với UBND và Uỷ ban mặt trận Tổ quốc các cấp.
Thứ tư, chủ động tổ chức tốt kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 để đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, giai đoạn 2021 - 2025; đề ra nhiệm vụ năm 2024; đồng thời, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV.
Định hướng một số đổi mới trong các hoạt động của HĐND
Liên quan đến các nội dung trao đổi và kiến nghị, đề xuất tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã thông tin một số quan điểm, định hướng chỉ đạo cụ thể.
Về hoạt động giám sát của HĐND, bên cạnh Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 594, ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân - đây được coi là “cái gậy” để HĐND các cấp thực hiện hoạt động giám sát. Bởi vậy, đề nghị HĐND các cấp cần quan tâm việc đầu tiên của giám sát là phải xác định nội dung, chủ thể, địa điểm và thời gian giám sát. Muốn vậy thì phải thu thập thông tin thông qua tiếp xúc cử tri; tiếp nhận và giải quyết đơn thư; lắng nghe dư luận Nhân dân, phản ánh của báo chí và hoạt động khảo sát để xác định chính xác nội dung gì HĐND cần giám sát.
Trong giám sát hiện có hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các uỷ ban của Quốc hội, giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh, giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và cấp uỷ Đảng các cấp. Bởi vậy, một trong những nội dung quan trọng khi lựa chọn giám sát cần hạn chế tối đa trùng lặp về nội dung, chủ thể - địa điểm và thời gian; đồng thời cần có sự chia sẻ thông tin về kết quả giám sát giữa các đoàn. Mặt khác, việc lựa chọn nội dung giám sát cần đáp ứng đủ 5 tiêu chí đã được quy định trong Nghị quyết số 594 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; trong đó chú trọng yếu tố toàn diện, cân đối và phù hợp với các lĩnh vực, tránh chỉ tập trung vào một số mảng nào đó.
Sau giám sát cần quan tâm “đeo bám” đến cùng các vấn đề được HĐND phát hiện, kiến nghị đến khi được các cơ quan chức năng giải quyết xong. Có như vậy, vai trò cơ quan dân cử và đại biểu dân cử mới thật sự nâng lên.
Trong trường hợp các chủ thể được giám sát không thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của các nghị quyết và đoàn giám sát, trong Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quy định rất rõ về chế tài xử lý tuỳ theo tính chất, mức độ của tổ chức, cá nhân được giám sát.
Về hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục đặt ra yêu cầu đổi mới thông qua các việc cụ thể, như thông tin chi tiết về họ tên, địa chỉ và số điện thoại của cử tri để trả lời đến đúng đối tượng; khắc phục tình trạng tổng hợp và trả lời ý kiến của cử tri chỉ dừng lại ở địa chỉ khối, xóm và xã… Muốn vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với các đại biểu HĐND và Uỷ ban mặt trận Tổ quốc cùng cấp để triển khai.
Trong tiếp thu, trả lời trực tiếp kiến nghị của cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, yêu cầu mỗi đại biểu HĐND cần tăng cường nghiên cứu quy định của pháp luật, tình hình giải quyết kiến nghị để trao đổi lại đầy đủ, cụ thể với cử tri.
Về chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp, HĐND các cấp phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ thống nhất danh mục các nghị quyết HĐND ban hành trong năm; đổi mới công tác thẩm tra, các ngành có nhu cầu trình các nghị quyết thì có thể gửi báo cáo, dự thảo bất cứ lúc nào để thẩm tra mà không cần chờ có lịch tổ chức kỳ họp. Trong điều hành kỳ họp cần khoa học và đảm bảo linh hoạt, dứt khoát, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.
Về hoạt động giải trình của Thường trực HĐND và chất vấn tại kỳ họp; đây là các hoạt động giải quyết được rất nhiều vấn đề cử tri quan tâm và nâng tầm vai trò cơ quan dân cử, đại biểu dân cử. Vì vậy, HĐND cần chú trọng lựa chọn những vấn đề bức xúc đặt ra, hạn chế, tồn tại kéo dài chưa giải quyết được hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để thực hiện giải trình và chất vấn. Đồng thời phải tăng cường nhận thức cho các ngành về vấn đề lựa chọn nội dung giải trình và chất vấn, không thể mang tính toàn diện tất cả các ngành mà dựa vào thực tiễn quản lý Nhà nước đang đặt ra bất cập, hạn chế; có thể có ngành phải giải trình và trả lời chất vấn nhiều lần, nhưng có ngành cả nhiệm kỳ không thực hiện giải trình, trả lời chất vấn.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cũng giải trình, làm rõ một số kiến nghị của Thường trực HĐND thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo cùng với cơ chế, chính sách và giải pháp của tỉnh trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương cũng như kiến nghị cử tri kéo dài./.