Cam kết trước khi nhận con giống

Trở lại vùng tái định cư thủy điện Hủa Na tại bản Piêng Cu của xã Tiền Phong, huyện Quế Phong hôm nay, điều cảm nhận dễ nhận thấy là vườn nhà nào cũng trồng được nhiều cây trái, rau, củ… Song niềm tin lớn đối với hộ nghèo ở đây là vừa được Nhà nước hỗ trợ bò giống để chăn nuôi, tạo “đòn bẩy” cho họ có cơ hội vươn lên xóa nghèo.

bna_ban.jpg
Bản tái định cư Piêng Cu nay đã có nhiều đổi mới. Ảnh: Quang An

Gia đình Lô Văn Thủy là một trong hàng chục hộ của bản Piêng Cu vừa được Nhà nước cấp 1 con bò cái sinh sản. Anh Thủy phấn khởi: Gia đình tái định cư ở đây từ năm 2010, cuộc sống quanh năm dựa vào nguồn thu nhập từ 1 ha đất trồng keo, 200m ruộng lúa, ngoài ra ai thuê gì làm nấy và vào rừng lấy măng, nên chưa thoát được hộ nghèo.

Năm 2023, sau khi cán bộ bản xem xét gia đình nằm trong danh sách được Nhà nước cấp bò để nuôi, gia đình tiến hành làm chuồng trại và dành một khu đất hơn 100m2 ven đồi keo để trồng cỏ voi, làm thức ăn cho bò. Được cấp 1 con bò cái, gia đình phấn khởi, chăm sóc chu đáo, bằng cách chăn dắt và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ.

“Giống bò vàng địa phương dễ chăm sóc, mọi thành viên trong gia đình đều ý thức chăm sóc bò thật tốt để sau này phát triển thành đàn, là cơ hội để gia đình thoát khỏi hộ nghèo”, anh Lô Văn Thủy chia sẻ.

bna_bo(1).jpg
Các hộ nghèo của bản Piêng Cu, xã Tiền Phong được hỗ trợ bò cái để nuôi sinh sản. Ảnh: Quang An

Trưởng bản Piêng Cu, anh Hà Văn Phòng cho biết: Bản có 141 hộ, trong đó 60 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Năm 2023 và đầu năm 2024, toàn bộ hộ nghèo và cận nghèo đều được Nhà nước cấp bò nuôi sinh sản. Tất cả các hộ được cấp bò đều cam kết làm chuồng trại, trồng cỏ và chăm sóc đảm bảo để sinh sản, tạo đòn bẩy thoát nghèo trong những năm tới.

“Sau khi các hộ được cấp bò, trong số 74 con bò được cấp, có 2 con bị chết do bệnh, phía đơn vị cung ứng đã kịp thời cấp bò lại cho bà con. Nhìn chung các hộ được cấp bò để nuôi đang phát triển ổn định”, anh Hà Văn Phòng cho hay.

Xã Tiền Phong là một trong những địa phương có hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo vừa được cấp bò đẻ nuôi. Ông Võ Khánh Toàn – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho hay, quan điểm của địa phương là tập trung xóa hộ nghèo theo từng bản, nên bò giống được cấp theo bản, chứ không cấp rải rác mỗi bản ít con như trước.

Cùng đó, các hộ dân được cấp bò đều phải cam kết với xã, bản làm chuồng trại, trồng cỏ và nuôi theo hình thức chăn dắt, kết hợp nuôi nhốt, không được thả rông trong rừng. Hàng năm, phải tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

“Mục đích của việc cấp bò tập trung theo từng bản là để các hộ thi đua chăm sóc bò và hộ này học hỏi kinh nghiệm từ hộ khác trong quá trình chăm sóc bò; công tác phòng dịch bệnh cũng được thuận lợi hơn”, ông Võ Khánh Toàn chia sẻ.

bna_chi-ngan-thi-tam-cham-soc-dan-lon-den-ban-dia-tai-khu-vuc-thung-lung-huoi-khang.-anh-xuan-hoang.jpg
Lợn đen địa phương đang được người dân Quế Phong đề xuất hỗ trợ con giống để nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Xuân Hoàng

Xã Châu Kim trong năm 2023 cũng được huyện cấp 93 con lợn đen địa phương cho 31 hộ nghèo, cận nghèo nuôi (một hộ được cấp 3 con lợn) từ nguồn vốn của Chương trình MTQG.

Ông Kim Ngọc Lương – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim cho biết, cùng với cấp lợn giống, các hộ còn được cấp kèm theo số lượng cám nhất định. Sau quá trình nuôi gần 1 năm cho thấy, mặc dù tỷ lệ lợn sống không đạt 100%, nhưng đa phần các hộ có trách nhiệm cao trong chăm sóc. Bà con tận dụng nguồn rau sẵn có tại địa phương: cây mùng, dây khoai lang, chuối rừng… trộn với cám gạo, cám ngô cho lợn ăn hằng ngày.

“Cũng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, hiện nay xã đang đề xuất huyện hỗ trợ giống bò, gà địa phương và cây quế Quỳ cho người dân nuôi, trồng. Đây thực sự là đòn bẩy để các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã vươn lên ổn định cuộc sống”, ông Kim Ngọc Lương cho hay.

Giải ngân gần 11 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong, thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, năm 2023 và đầu năm 2024, huyện Quế Phong đã cấp 806 con bò, 420 con lợn, 4.800 con vịt bầu Quỳ và hàng nghìn con giống thủy sản, cây mắc ca, quế Quỳ cho gần 1 nghìn hộ nghèo, cận nghèo tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nuôi, trồng, phát triển kinh tế, với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.

bna_que-2.jpg
Cuối năm 2024, huyện Quế Phong sẽ tiến hành trồng 60 vạn cây quế Quỳ. Ảnh: Quang An

Qua theo dõi tại các địa phương cho thấy, phần lớn các hộ được cấp cây, con giống đều có trách nhiệm cao trong nuôi, trồng.

Ông Phạm Hoàng Mai – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết thêm, hiện nay các địa phương đang đề xuất hỗ trợ cây, con giống dựa theo nhu cầu của người dân, nên từ nay đến hết năm 2024 huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân theo nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2024 này, chủ trương của huyện là tập trung hỗ trợ cho bà con triển khai trồng 60 vạn cây quế Quỳ.

bna_que-5.jpg
Nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 là "đòn bẩy" cho Quế Phong phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Một góc của bản tái định cư Piêng Cu, xã Tiền Phong. Ảnh: Xuân Hoàng

Với chủ trương cấp cây, con giống theo nguyện vọng và đề xuất cụ thể của người dân từng địa phương, hy vọng từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 này, sẽ là “đòn bẩy” cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo của huyện biên giới Quế Phong có cơ hội thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Đây cũng là cơ hội để người dân Quế Phong có thêm nguồn thu, góp phần vào nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Huyện Quế Phong đang nỗ lực xóa xã "trắng" nông thôn mới trong thời gian tới.