Đổi mới, nâng cao hiệu quả h oạt động tiếp xúc cử tri

Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 442 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh trước và sau các kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh. Vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu trong tiếp xúc đã nâng lên, không chỉ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhiều đại biểu còn trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về các kiến nghị đã được cơ quan chức năng giải quyết, qua đó góp phần hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần. Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh đã duy trì đường dây điện thoại trực tuyến để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri. Bên cạnh hình thức tiếp xúc thường lệ, HĐND tỉnh đã tổ chức 34 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, hướng đến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách dự kiến ban hành để có thêm nhiều thông tin phục vụ việc xem xét, quyết định tại kỳ họp, như: về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ đối với công tác cai nghiện ma túy, giáo dưỡng và giáo dục bắt buộc; cơ chế thực hiện Chương trình Sữa học đường cho trẻ em mầm non và tiểu học; về chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xóm, khối, bản.

Các cuộc tiếp xúc cử tri đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của cử tri và nâng cao ý thức về trách nhiệm giải trình, tiếp thu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; thể hiện rõ mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri. Trung bình mỗi kỳ họp HĐND tỉnh đã tiếp nhận trên 150 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri đầy đủ, chính xác, khoa học hơn. Ngoài phân loại theo lĩnh vực, xét tính chất và mức độ, ý kiến, kiến nghị của cử tri được phân thành 2 nhóm: nhóm vấn đề bức xúc, cần giải quyết kịp thời và nhóm vấn đề cần quan tâm giải quyết. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ những nội dung kiến nghị tại kỳ họp trước còn tồn đọng, cần tập trung giải quyết dứt điểm. Công tác đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được phân công thực hiện theo lĩnh vực chuyên môn của các Ban HĐND tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, quyết liệt hơn thông qua các hình thức: thẩm tra báo cáo, khảo sát thực địa và đối tượng, giám sát theo chuyên đề.

Nhìn chung, việc giải quyết kiến nghị cử tri của UBND tỉnh, vai trò tham mưu của các cấp, các ngành đã được quan tâm, chú trọng hơn, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng, tỷ lệ kiến nghị được giải quyết khá cao (trung bình khoảng 80%). Chất lượng giải quyết, trả lời được nâng lên, trong đó có nhiều kết quả nổi bật, khá toàn diện, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình như sau khi có ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề cử tri kiến nghị, như: thành lập các đoàn thanh tra liên ngành để giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc (thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý của các chung cư, nhà cao tầng; thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra liên ngành việc khai thác cát sỏi trái phép,... ); ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các giải pháp trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân

Hoạt động tiếp công dân của các cơ quan HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đã có sự cải tiến và đi vào nề nếp. Để phù hợp với đặc điểm của các Tổ đại biểu và tình hình thực tiễn địa phương, Thường trực HĐND tỉnh giao các tổ chịu trách nhiệm phân công đại biểu trong tổ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân tại nơi bầu cử, qua đó dành thời gian trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời hướng dẫn, giải thích, trả lời, giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; đồng thời chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết dứt điểm các vụ việc, trong đó quan tâm các vụ việc phức tạp, mới phát sinh. Thường trực HĐND tỉnh và Văn phòng thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân thường xuyên cũng như định kỳ theo kế hoạch của tỉnh và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan (dự các phiên tiếp công dân của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh).

Từ tháng 7/2016 đến nay, Thường trực, các Ban, Văn phòng HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp nhận 1.066 lượt đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (trong đó có 338 đơn khiếu nại, 247 đơn tố cáo, 482 đơn kiến nghị, phản ánh); phân loại, chuyển 629 đơn, thư của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, lưu 437 đơn. Qua theo dõi, tổng hợp có 296 đơn vị gửi văn bản trả lời. Công tác tiếp nhận, xử lý, theo dõi, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng chặt chẽ hơn. Văn phòng HĐND tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để nắm bắt việc xử lý, giải quyết. Tại phiên họp định kỳ hàng tháng và đột xuất (trong trường hợp cần thiết), Thường trực HĐND tỉnh xem xét tình hình đơn thư gửi đến và đặc biệt là các vụ việc nổi cộm, kéo dài để thống nhất chỉ đạo và đã đạt nhiều kết quả rõ nét. Điển hình như, qua đơn thư phản ánh của các hộ dân sinh sống tại khu dân cư PLAZA Vinh, khối 01, phường Quán Bàu, thành phố Vinh về việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển đơn đến UBND thành phố Vinh để giải quyết và đến nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được thực hiện. Sai phạm đất đai ở huyện Diễn Châu từ các năm trước (đất sản xuất, đất ao cá Đình Đỏ, đất Hợp tác xã Yên Lý Đông), huyện, xã xử lý không dứt điểm, Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển đơn của công dân đến UBND tỉnh và UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh rà soát để xử lý dứt điểm các sai phạm. Vụ việc các hộ dân ở thị trấn Thanh Chương không đồng tình việc thu hồi các lô đất trúng đấu giá đất, Thường trực HĐND tỉnh làm việc trực tiếp và yêu cầu huyện Thanh Chương vào cuộc, đối thoại với các hộ dân, tránh tình trạng chỉ giao cho UBND thị trấn giải quyết làm cho vụ việc kéo dài...

Một số tồn tại hạn chế

- Về tiếp xúc cử tri: Tiến độ giải quyết một số kiến nghị của cử tri còn chậm và kéo dài, có nhiều nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, thấu đáo, chưa có giải pháp căn cơ, lộ trình cụ thể gây bức xúc trong cử tri và Nhân dân. Chất lượng báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri còn có những hạn chế nhất định, nhiều nội dung trả lời còn chung chung, chưa xác định rõ lộ trình, hướng giải quyết cụ thể, nhất là đối với các kiến nghị về tiến độ thực hiện các công trình, dự án do các địa phương làm chủ đầu tư, các kiến nghị liên quan đến bố trí kinh phí, các kiến nghị cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành để giải quyết. Việc cung cấp thông tin về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri còn hạn chế dẫn đến nhiều nội dung đã được trả lời rõ nhưng cử tri không nắm được thông tin nên vẫn tiếp tục kiến nghị.

- Về công tác tiếp công dân: Việc tổ chức tiếp công dân của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tiếp công dân nhiều nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa xây dựng được quy chế nên chủ yếu vẫn thực hiện lồng ghép với chương trình tiếp dân của UBND, hiệu quả chưa cao. Một số đại biểu HĐND chưa nhận thức đúng vai trò của công tác tiếp dân; chưa dành nhiều thời gian cho công tác tiếp công dân; năng lực, phương pháp và kỹ năng tiếp công dân còn hạn chế.

- Về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân: chất lượng giải quyết một số vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền chưa cao; báo cáo kết quả giải quyết hoặc thông báo trả lời cho công dân còn chậm, trả lời chung chung dẫn đến công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh kéo dài. Có những vụ việc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết hết thẩm quyền, thậm chí có vụ việc đã được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ được Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Công tác phối hợp xử lý đơn thư của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể một số địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả. Trong quá trình xem xét giải quyết vụ việc còn nặng về hành chính, chưa đi sâu tìm hiểu nguyên nhân phát sinh khiếu kiện của công dân, chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hòa giải, đối thoại trực tiếp tại cơ sở nên một số vụ việc chưa giải quyết triệt để. Chưa có phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý đơn để áp dụng đồng bộ trong toàn hệ thống các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho việc cập nhật, theo dõi, giúp cho việc xử lý đơn được nhanh chóng, dễ dàng và giảm thiểu sự trùng lắp.

Kiến nghị, đề xuất

Đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội: Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định cụ thể các chế tài và trình tự, thủ tục áp dụng chế tài đối với các chủ thể không thực hiện việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do HĐND tỉnh chuyển đến; không thực hiện việc giải quyết các kiến nghị giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cho Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các cấp, cán bộ công chức làm công tác tham mưu xử lý khiếu nại, tố cáo.

Đối với Chính phủ: Ban hành quy định về quy trình giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh; quy định bổ sung Ban tiếp công dân cấp huyện có Phó ban để tạo thuận lợi trong giải quyết công việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hướng dẫn phương án xử lý đối với các trường hợp công dân khiếu nại sai, tố cáo sai... Xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân và xây dựng phần mềm quản lý việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân để tạo thuận lợi cho cơ quan dân cử quản lý, theo dõi việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Bên cạnh đó, để làm tốt công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ cho các cơ quan tiếp công dân đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức làm nhiệm vụ này phải là những người am hiểu về pháp luật, có thời gian, kinh nghiệm công tác tại các cơ quan chuyên môn liên quan đến lĩnh vực. Vì vậy, cần ban hành Quy chuẩn hóa chức danh tiếp công dân, đồng thời có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này.

Đ ối với UBND tỉnh

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đối với nhiệm vụ giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chỉ đạo các ngành, các cấp cần khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để giải quyết những kiến nghị bức xúc, kéo dài của cử tri. Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các ngành, các cấp; đôn đốc, nhắc nhở, kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm hoặc không giải quyết, giải quyết chưa thấu đáo những vấn đề chính đáng, hợp pháp mà cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó lưu ý làm tốt công tác đối thoại, hòa giải cơ sở, nhất là đối với những nơi tiềm ẩn phát sinh đơn thư trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các công trình, dự án. Tăng cường sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thường xuyên tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân cũng như đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, lao động, thương binh và xã hội để giải quyết tốt đơn thư.

Tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo về các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Trong công tác quản lý đất đai, cần chú trọng làm tốt công tác lập, xét duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.

Việc thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian qua và khắc phục nhưng tồn tại trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết tốt các ý kiến, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân và cử tri tỉnh nhà, để HĐND tỉnh xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Phan Trung Tú