Đây là con số ấn tượng không chỉ bởi nhiệm kỳ Khóa XV mới đi được 2/3 chặng đường mà còn bởi, trong số những nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành có rất nhiều nhiệm vụ "nặng ký" cả về độ khó, sự phức tạp, mức độ tác động sâu rộng tới cả hệ thống pháp luật và quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước cũng như khơi thông các nguồn lực phát triển đất nước. 

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, qua 4 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 13 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến về 11 dự án luật. Điều quan trọng nữa là, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao, như Kỳ họp thứ Bảy, có đến 2 luật và 1 nghị quyết đạt tỷ lệ 100% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.

Có thể nói rằng, qua mỗi kỳ họp, công tác lập pháp của Quốc hội lại được nâng lên về chất lượng, đặc biệt là tinh thần kiến tạo trong các đạo luật luôn được cử tri, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia đánh giá cao. Rất nhiều sáng tạo, đổi mới, cải tiến đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội áp dụng trong công tác lập pháp để có thể "chạy đua" với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Đơn cử như việc Quốc hội đã tổ chức thêm một số kỳ họp bất thường để kịp thời xem xét, thông qua các luật, nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường chỉ đạo hoạt động lập pháp theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả; tổ chức thêm các phiên họp chuyên đề pháp luật, phiên họp giữa hai đợt của kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến kỹ lưỡng đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua; chỉ đạo sát sao và trực tiếp chủ trì nhiều cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến về những định hướng lớn, xử lý những vấn đề còn ý kiến khác nhau, đặt ra các yêu cầu, nội dung phải đạt được đối với từng dự án.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, chủ động thu thập thông tin, tiếp cận sớm hồ sơ dự án ngay từ khâu lập đề nghị đưa vào Chương trình; tham gia nghiên cứu, tổng kết với cơ quan chủ trì soạn thảo; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để tham vấn chuyên gia, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, nắm bắt các vấn đề thực tiễn để phục vụ công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án, dự thảo.

Những đổi mới thiết thực, hiệu quả đó đã giúp Quốc hội thông qua được số lượng lớn luật, nghị quyết nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, cơ bản không phải tăng thêm thời gian của các kỳ họp.

Dù vậy, công tác lập pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: hồ sơ một số đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; tính gối đầu của Chương trình cho năm tiếp theo còn thấp, dẫn đến việc phải bổ sung nhiều dự án vào Chương trình, một số dự án trình bổ sung sát với kỳ họp Quốc hội gây không ít khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; không ít dự luật sau khi được trình sang Quốc hội vẫn chưa thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hay nội dung đề nghị sửa đổi lại chưa trúng, thậm chí chẳng ăn nhập gì lắm với những đánh giá từ tổng kết thi hành luật...

Đó cũng là những "nỗi niềm lập pháp" thường được nhắc đến trước đây, nhưng nay ít được nhắc đến - không phải vì đã khắc phục được triệt để mà là bởi với nhiệm vụ lập pháp ngày càng nặng nề, cả bộ máy của Quốc hội và Chính phủ đều nỗ lực chạy hết tốc lực. Như chia sẻ của một đại biểu Quốc hội, Ủy ban ông - và nhiều cơ quan khác nữa của Quốc hội - thường xuyên phải làm việc thứ bảy, chủ nhật, ngoài giờ hành chính để kịp tiến độ. "Không có cả thời gian để mà tâm tư nữa, nhưng sức người cũng chỉ có hạn, cũng khó tránh được nguy cơ có những sơ suất...", ông nói.

Yêu cầu đối với công tác lập pháp sẽ ngày càng cao và ngày càng khó. Chính vì vậy, về lâu dài, để bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác lập pháp, yêu cầu về tiếp tục đổi mới, sửa đổi, hoàn thiện quy trình lập pháp là câu chuyện cần tính đến và có lẽ tính càng sớm càng tốt để khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã nêu ở trên. Đặc biệt là các khâu đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách; khâu soạn thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động; công tác rà soát, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, ngăn chặn, kiểm soát các nguy cơ cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; công tác truyền thông về xây dựng luật; ứng dụng công nghệ trong xây dựng pháp luật... là những vấn đề cần rà soát lại xem có vướng gì ở quy định pháp luật hay không, nếu vướng thì sửa đổi thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả lập pháp. Xét đến cùng thì chất lượng lập pháp chắc chắn sẽ được bảo đảm tốt hơn nếu quy trình lập pháp thông suốt, khoa học và chuyên nghiệp hơn thay vì các cơ quan phải "chạy đua" để bảo đảm tiến độ và chất lượng như hiện nay.