Qua thống kê, rà soát, ngoài các nghị quyết quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, có 52 nghị quyết về cơ chế, chính sách do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành đang còn hiệu lực thi hành. Các nghị quyết này bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong phạm vi giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh đã lựa chọn 16 nghị quyết có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân để tiến hành giám sát.

plugin_ckeditor_upload.upload.b564a13ef9f296cc.312e6a7067.jpg

Ở công đoạn chuẩn bị giám sát, theo tinh thần Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh", ngoài việc thu thập thông tin, tổng hợp tình hình của cơ quan chuyên trách, đối với nhóm nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã đặt hàng với Sở Khoa học và Công nghệ để tiến hành điều tra xã hội học về việc tiếp cận chính sách của đối tượng thụ hưởng và tác động, hiệu quả việc thực hiện.

Qua giám sát cho thấy, mặc dù trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng Tỉnh đã rất quan tâm ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Từ khi thực hiện đến hết năm 2019, tổng số kinh phí đã cấp là 1.471.486 triệu đồng (trong đó: ngân sách Trung ương là 4.019 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 1.467.467 triệu đồng); tổng kinh phí đã thực hiện là 1.422.514 triệu đồng. Bên cạnh việc bố trí kinh phí, việc phân bổ nguồn kinh phí cũng khá kịp thời, tiến độ giải ngân cơ bản đáp ứng tiến độ thực hiện nghị quyết, hạn chế tình trạng nợ chính sách kéo dài; công tác quản lý tài chính khá chặt chẽ, chính sách đến đúng đối tượng.

Đi vào thực tiễn, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi tư duy tập quán sản xuất của người nông dân từ trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, mở ra hướng phát triển bền vững. Một số mô hình kinh tế được phát huy, nhân rộng như: từ chính sách hỗ trợ phát triển chè đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chè sạch, năng suất, chất lượng cao, phục vụ chế biến xuất khẩu, sản lượng mỗi năm trên 12.000 tấn chè khô; chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả đã cho ra đời 7.757 ha cam, quýt giống mới, 500 ha chanh leo đem lại thu nhập từ 500 đến 1000 triệu đồng/ha/năm; chính sách hỗ trợ nuôi cá lồng trên sông, hồ nước lớn tạo điều kiện để diện tích nuôi cá lồng ngày càng được mở rộng, năng suất cao.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, các cơ chế, chính sách đã phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, như đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung...Nhờ đó đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 22 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được 248 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp FDI quy mô tương đối lớn, với tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, nộp ngân sách tỉnh 480 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 21.000 lao động. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh đã góp phần chăm lo cuộc sống cho người có công với cách mạng; tạo điều kiện cho các huyện nghèo, xã nghèo đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ thêm nguồn lực cho các địa phương xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn quốc gia; thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; động viên kịp thời về vật chế, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu trong công tác giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi. Các nghị quyết về cơ chế, chính sách của tỉnh còn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, 2 nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo điều kiện là đòn bẩy cho 2 địa phương có vai trò, vị trí quan trọng phát triển. Nghị quyết 278/2009/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đối với thành phố Vinh - đô thị loại I trực thuộc tỉnh đã giúp Thành phố thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng, cải tạo kiến trúc cảnh quan, chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị, nâng cao đời sống nhân dân. Nghị quyết số 307/2010/NQ-HĐND ngày 10/7/2010 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ huyện Nam Đàn phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đã mang lại cho huyện Nam Đàn - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh diện mạo mới, hạ tầng giao thông phát triển, hệ thống đê kè kênh mương được củng cố và trở thành huyện đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới, tạo đà xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước.

Mặc dù vậy, qua giám sát đã cho thấy rõ hiệu quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách vẫn chưa đạt đến mục tiêu khi ban hành nghị quyết. Các hạn chế, tồn tại đã được Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ rõ. Đó là công tác tuyên truyền nghị quyết mới chỉ dừng lại ở việc phổ biến nội dung cơ chế, chính sách của nghị quyết, chưa hướng đến việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp cùng nghiên cứu, tham gia để thực hiện chính sách đạt hiệu quả cao nhất; một số cơ chế, chính sách chính đối tượng thụ hưởng chưa được tiếp cận. Điểm gây băn khoăn, trăn trở cho Đoàn là qua đi nắm bắt thực tế tuy cùng điều kiện khá tương đồng về vị trí địa lý, nhân lực nhưng có địa phương thực hiện được nhiều chính sách, có địa phương thực hiện được rất ít chính sách. Nguồn lực bố trí thực hiện chính sách nhỏ lẻ, manh mún và tuy không phổ biến nhưng vẫn còn tình trạng nợ chính sách.

Công tác theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách chưa thường xuyên, chưa kịp thời và chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó đã dẫn đến tình trạng là có cơ chế, chính sách đã được ban hành có những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện nhưng không được rà soát để tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế. Sự phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nghị quyết chưa đồng bộ, chặt chẽ. Mặt khác, công tác giám sát thực hiện các nghị quyết do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, nhất là các nghị quyết về cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chưa thường xuyên, chưa quyết liệt.

Qua bức tranh khá toàn diện về tình hình thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết đang phát huy hiệu quả, có tác động mạnh mẽ và tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Nội dung quan trọng cần tập trung chỉ đạo tiếp theo là đổi mới, hoàn thiện công tác xây dựng, tổ chức thực hiện nghị quyết về cơ chế, chính sách. Trong đó lưu ý việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ ổn định ngân sách, ưu tiên ban hành nghị quyết từ đầu kỳ kế hoạch để chủ động về nguồn lực; nghị quyết được xây dựng theo hướng cải cách thủ tục hành chính để đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận, thực hiện; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nghị quyết; thực hiện tốt công tác theo dõi, sơ kết, tổng kết thực hiện nghị quyết.

Có thể nói rằng, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách là một trong những công cụ hữu hiệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Hội đồng nhân dân tỉnh đã đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới trong cả khâu quyết định cũng như giám sát để công cụ này ngày càng sắc bén, phát huy hiệu quả./.

Nguyễn Thị Anh Hoa

Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Nghệ An