15 lần lấy ý kiến mới đạt được sự đồng thuận

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ làm đầu mối quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, chịu trách nhiệm xây dựng dự án Luật Quy hoạch, các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan và các dự thảo nghị định, văn bản pháp luật liên quan nhằm triển khai Luật Quy hoạch. Bộ cũng chủ trì lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; trực tiếp hướng dẫn, tham gia ý kiến trong quá trình lập các quy hoạch của các ngành, các cấp và các địa phương…

Trong khi đó, Luật Quy hoạch là luật mới, lần đầu tiên lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, rất khó, rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực. Khối lượng công việc và áp lực đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là rất lớn. Vì thế, tại cuộc làm việc sáng qua, các thành viên Đoàn giám sát đều hết sức chia sẻ với Bộ trong việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một lý do được nhiều bộ, ngành, địa phương lý giải cho tình trạng lúng túng, vướng mắc trong triển khai lập các quy hoạch là do việc ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch quá chậm. Nghị quyết số 11/NQ-CP về triển khai thi hành Luật Quy hoạch được Chính phủ ban hành ngày 5.2.2018, nhưng phải đến ngày 7.5.2019, tức là sau 14 tháng Nghị định 37 mới được ban hành. Về chất lượng, Nghị định này có nhiều quy định hướng dẫn việc quy hoạch theo phương pháp tích hợp, nhưng thực tế cho thấy các địa phương vẫn rất lúng túng. Khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia cũng được xây dựng rất chậm. Chúng ta triển khai công tác quy hoạch theo phương pháp tích hợp, nếu không có định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia như thế nào thì ở cấp dưới sẽ bị lúng túng. Vì thế, tại Hội nghị ngày 19.8.2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, thì phải có định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở triển khai lập các quy hoạch cấp dưới. Dẫu vậy, phải gần 6 tháng sau, tại hội nghị ngày 2.3 vừa qua, khung định hướng này mới được trình Chính phủ cho ý kiến. “Như vậy rõ ràng là chậm và phải làm rõ trách nhiệm để báo cáo với Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Báo cáo về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và trình Chính phủ tại Tờ trình số 3255/TTr-BKHĐT ngày 18.5.2018. Tuy nhiên, do còn có một số ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung của dự thảo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 15 lần báo cáo bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Do đó, phải đến ngày 7.5.2019, Nghị định 37 mới được thông qua.

Nguyên nhân chậm ban hành cũng được Thứ trưởng Trần Quốc Phương giải thích rõ là bởi: Việc xây dựng Nghị định vừa phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch vừa phải bảo đảm tránh xáo trộn trong công tác quản lý chuyên ngành, nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định chuyên ngành. Trong khi đó, trước khi Luật Quy hoạch được ban hành, công tác quy hoạch được quy định ở 101 luật và 85 nghị định nên việc nghiên cứu, soạn thảo Nghị định 37 cần rất nhiều thời gian. Mặt khác, việc xây dựng Nghị định được triển khai cùng thời điểm Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 52 luật, pháp lệnh để đồng bộ và có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch, nên quá trình soạn thảo đòi hỏi phải thống nhất với nội dung các luật, pháp lệnh đang sửa đổi, bổ sung. Một số cơ quan phối hợp soạn thảo Nghị định vẫn giữ quan điểm về việc điều chỉnh nội dung của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia tại các luật chuyên ngành dẫn tới việc soạn thảo Nghị định phải lấy ý kiến nhiều lần mới đạt được sự đồng thuận của các bộ có liên quan.

Chưa hài lòng với những thông tin do Thứ trưởng Trần Quốc Phương báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, khi trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, thì cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đã lường trước những vấn đề phức tạp, mất thời gian đó. Vì thế, Ủy ban Kinh tế đã tham mưu với Quốc hội quy định thời hạn có hiệu lực thi hành của Luật Quy hoạch dài hơn so với các luật khác (thông thường các luật có hiệu lực thi hành sau 6 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua, nhưng Luật Quy hoạch sau hơn 1 năm mới có hiệu lực thi hành - PV). Điều này là để giúp Chính phủ, các bộ, ngành chức năng hoàn thiện tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình, thủ tục để khi Luật có hiệu lực là thực hiện được ngay, nhưng rõ ràng là chậm. Trong khi đó, Nghị định 37 phải lấy ý kiến đến 15 lần mới đạt được sự đồng thuận, nhưng khi làm việc với Đoàn giám sát, các Bộ cũng phản ánh một số khó khăn, vướng mắc. Vậy chất lượng lấy ý kiến như thế nào? Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ nói chung chung là một số bộ, ngành vẫn theo tư duy cũ, vẫn muốn làm theo luật chuyên ngành. Vậy cụ thể là bộ, ngành nào, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh yêu cầu nêu làm rõ.

2022030506455420220304133911pct-hai-a5.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Trung Thành

"Luật đã rõ, Nghị định đã rõ nhưng cứ bảo không hiểu?!"

“Nghị định 37 của Chính phủ đúng là ban hành chậm. Khởi đầu chậm nên kéo theo một lô xích xông các việc khác chậm”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, nếu không có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì “đúng là không biết lập quy hoạch nào trước, quy hoạch nào sau. Khi có Nghị quyết 751, chúng ta mới xử lý được câu chuyện lập song song, đồng thời các quy hoạch, sau đó tích hợp theo phương pháp xoáy ốc, đúng dần để tiệm cận đến bản quy hoạch tốt nhất. Quy hoạch cấp trên cứ làm, dựa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, dựa vào các định hướng, các quy hoạch thời kỳ trước và xu thế, tiềm năng thực tế, điều kiện cụ thể. Quy hoạch cấp dưới cũng căn cứ vào các định hướng, các quy hoạch trước đó… Quy hoạch cấp dưới đúng thì quy hoạch cấp trên điều chỉnh, quy hoạch cấp trên đúng thì quy hoạch cấp dưới phải điều chỉnh”. Nhưng vì các “nghị định, nghị quyết này đều chậm ban hành nên các thông tư hướng dẫn về định mức, kinh phí cũng bị chậm, không có định mức, kinh phí thì cũng không triển khai một số nhiệm vụ khác được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Mặc dù vậy, đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, có thể còn điểm này, điểm kia cần tiếp tục hoàn thiện, nhưng đến nay là "tương đối đầy đủ, tương đối đồng bộ". Chỉ ra nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch vừa qua, theo Bộ trưởng, trước hết là vấn đề nhận thức, sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đối với công tác quy hoạch. Thứ hai là tư duy không theo kịp, không tiếp cận được với phương pháp mới nên cứ lúng túng, hỏi đi hỏi lại. “Nhiều vấn đề mặc dù Luật đã rõ, Nghị định đã rõ nhưng cứ bảo không hiểu, cứ kêu khó khăn, vướng mắc. Nhưng cứ nói thế thôi, khi hỏi cụ thể không hiểu chỗ nào, vướng chỗ nào thì lại không nói. Đấy là cơ quan đó chưa hiểu, không hiểu hay cố tình không hiểu? Thực tế là cùng một mặt bằng như vậy, điều kiện như vậy nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương đã làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn.

Như vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, "trách nhiệm trước hết phải là do khâu tổ chức thực hiện. Luật Quy hoạch không có tội. Tất nhiên còn việc này việc kia, nhận thức là cả một quá trình, có những vấn đề cần điều chỉnh cũng là bình thường. Nhưng phải nói thẳng là khâu tổ chức thực hiện của chúng ta chưa tốt, từ Chính phủ cho đến các bộ, ngành, địa phương, trong đó có cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có thể chưa theo kịp, chưa làm hết trách nhiệm. Chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm của Bộ. Nhưng trước hết là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa quyết liệt, còn phó mặc cho tư vấn, phó mặc cho cấp dưới… Văn bản hướng dẫn, đôn đốc của chúng tôi nhiều vô kể. Chúng tôi cũng trực tiếp tổ chức các hội nghị hướng dẫn, đôn đốc”.

Với trách nhiệm là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính phủ cũng đã rất quyết liệt trong tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch. Nếu tất cả cùng quyết tâm, ông hy vọng tiến độ sẽ đáp ứng được. Cùng với đó, phải tiếp tục đôn đốc, điều phối, nâng cao nhận thức về công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị của tất cả các ngành, các cấp, đặc biệt là của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không vào cuộc với ý thức trách nhiệm cao thì không thể làm được. “Chúng tôi mong điều này được thể hiện trong Báo cáo của Đoàn giám sát, coi đây là chỉ đạo của Quốc hội đối với việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, từ nhận thức cho đến thái độ, sự quan tâm đối với lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kết thúc đợt làm việc trực tiếp với 6 bộ của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Từ các cuộc làm việc này đã phần nào cho thấy rõ hơn "bức tranh" về tổ chức thực hiện công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. Dù vậy, đúng như nhận định của một số thành viên Đoàn giám sát, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải được giải trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn mới có thể "gỡ" được những vướng mắc hiện tại, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các quy hoạch theo đúng tinh thần "cách mạng" của Luật Quy hoạch.

Nguyễn Bình