Thực hiện các chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực, chủ động tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các địa phương, đơn vị để người dân, doanh nghiệp, HTX, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hiểu và thực hiện tốt các chính sách đã ban hành.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2022, tổng diện tích đã hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ giao cho các tổ chức kinh tế theo quy định hiện hành, diện tích rừng tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý là 163.657,91 ha tương ứng với tổng kinh phí đã hỗ trợ hơn 56,8 tỷ đồng.
Tổng diện tích hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình là 57.728,71 ha với tổng kinh phí đã hỗ trợ hơn 7,9 tỷ đồng.
Biểu đồ hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho các đối tượng theo Nghị định 75 giai đoạn 2020 - 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồ họa: Thành Cường
Có 78.472 lượt hộ nghèo được hưởng lợi từ đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tương Dương, thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Cường
Việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả rõ rệt và có những tác động tích cực to lớn trong phát triển nông, lâm nghiệp, gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn. Từ các nguồn chính sách được hỗ trợ, đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, làm tốt công tác bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực biên giới.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách còn một số vướng mắc hạn chế như: Kinh phí thực hiện các dự án còn hạn chế và phân bổ chậm; chồng chéo trong quản lý, điều tiết nguồn vốn; thiếu sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở và các ngành liên quan;…
Trên cơ sở các buổi giám sát thực tế tại các huyện Tương Dương, Anh Sơn, Quế Phong, đoàn công tác HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm rõ một số vướng mắc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Các dự án được đầu tư còn nhỏ lẻ, dàn trải, nguồn vốn đầu tư ít, không đáp ứng nhu cầu thực tế; Các dự án xây dựng khu tái định cư triển khai chậm, kéo dài; Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và địa phương; Chưa có hoặc có ít doanh nghiệp liên kết trong chuỗi giá trị theo hướng bền vững;…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và sự quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Qua việc thực hiện các chính sách đã giúp chính quyền cơ sở và người dân thay đổi cách nhìn theo hướng sản xuất hàng hóa tốt hơn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét làm rõ những vướng mắc trong việc chậm thực hiện chi trả tiền hỗ trợ người dân nhận bảo vệ rừng; nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp sau khi đầu tư không có sự phát triển và lan toả; nhiều dự án bố trí dân cư còn bất cập, chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất địa hình của địa phương gây lãng phí và thiếu hiệu quả.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị ngành nông nghiệp xem xét lại chính sách hỗ trợ gạo trong thời điểm hiện nay còn phù hợp hay không. Qua đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những ý kiến tham mưu cho đoàn giám sát những chính sách mới khả thi trình HĐND tỉnh.
Thành Cường