Đồng chí Thái Thị An Chung, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng Đoàn. Tham gia cuộc giám sát có các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn và đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nội vụ.

33e3f7f61fedd5b38cfc.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc

Giai đoạn 2019 – 2021, huyện Nghĩa Đàn có 01 xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp theo quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 là xã Nghĩa Tân do diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 50% tiêu chuẩn. Để tiến hành sắp xếp, huyện đã trình cơ quan có thẩm quyền sáp nhập xã Nghĩa Tân với 02 xã liền kề là xã Nghĩa Thắng và xã Nghĩa Liên thành xã Nghĩa Thành. Xã Nghĩa Thành sau khi sáp nhập đạt 194,4% tiêu chuẩn về quy mô dân số và 50,44% về diện tích tự nhiên. Việc sắp xếp đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch đã đề ra. Sau sáp nhập, huyện Nghĩa Đàn giảm được 02 xã, từ 25 xã, thị trấn xuống còn 23 xã, thị trấn.

Thực hiện Nghị quyết số 831/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nghệ An, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nghĩa Đàn đã lãnh đạo, chỉ đạo sớm sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy của xã Nghĩa Thành đi vào hoạt động; đồng thời sáp nhập các trường mầm non, tiểu học và đổi tên trường THCS; điều động, luân chuyển 21 cán bộ, công chức dôi dư sang các xã khác trong huyện đang thiếu, giải quyết chế độ nghỉ việc cho 7 cán bộ; tuyển dụng đặc cách 04 cán bộ thành công chức. Về cơ sở vật chất sau khi sáp nhập huyện đã sớm bố trí trụ sở làm việc của UBND xã Nghĩa Thành, bố trí tạm thời Trạm y tế xã Nghĩa Thành tại Trạm y tế xã Nghĩa Thắng cũ để đảm bảo cho hoạt động khám chữa bệnh, đồng thời đã chọn địa điểm quy hoạch để đầu tư xây dựng Trạm y tế xã Nghĩa Thành mới. Đối với các trụ sở UBND và Trạm y tế thừa sau sáp nhập huyện đã xây dựng phương án quy hoạch đấu giá đất ở và bố trí trụ sở cho Công an chính quy và BCH Quân sự xã. Sau sáp nhập đến nay huyện đã hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, xác định đường địa giới hành chính trên thực địa tại xã Nghĩa Thành.

Mặc dù vậy, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng ở xã chưa đồng bộ, một số công trình nằm trên các xã cũ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của xã sau sáp nhập nên cần phải đầu tư, xây dựng mới, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, một số công trình trường học, trạm y tế nằm ở vị trí không thuận lợi cho việc đi lại, học tập của các cháu học sinh và khám chữa bệnh của người dân. Mặt khác, trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập cùng với thời điểm thực hiện đưa công an chính quy về xã; sắp xếp bố trí cán bộ, công chức theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ nên việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức rất khó khăn. Hiện nay, xã Nghĩa Thành còn dôi dư 01 cán bộ và 10 công chức.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, đồng thời nhiều ý kiến bảy tỏ băn khoăn vì sau sáp nhập, huyện mới chỉ có 02 xã đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên; 21 xã, thị trấn còn lại chưa đạt 100% tiêu chuẩn theo quy định, trong đó 14 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên vì vậy nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn tới sẽ khá nặng nề. Ngoài ra, vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ; vấn đề chuyển giao và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã sau sáp nhập cũng được các đại biểu quan tâm.

6f3e2b2bc330096e5021.jpg
ĐBQH Trần Nhật Minh đề nghị huyện làm rõ việc xã sau sáp nhập chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

ĐBQH Trần Nhật Minh đề nghị huyện làm rõ lý do 03 xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Liên, Nghĩa Tân đã về đích nông thôn mới trước khi sáp nhập nhưng đến nay xã Nghĩa Thành vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tác động của việc sáp nhập xã trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách đặc thù trên địa bàn. Đồng thời, đại biểu cũng mong muốn huyện có chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc lựa chọn tên của đơn vị hành chính sau sáp nhập và quan điểm của huyện về tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp xã miền núi,vùng cao để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét khi sửa đổi Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

a8015a2eb235786b2124.jpg
ĐBQH Thái Văn Thành trao đổi với huyện một số vấn đề về việc sáp nhập các trường học

Còn theo ĐBQH Thái Văn Thành thì huyện cần quan tâm đến việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian sắp tới, nhất là việc trên địa bàn huyện có 15 xã thuộc khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để khi sáp nhập sẽ không ảnh hưởng đến chế độ, chính sách đặc thù mà các xã đang hiện hưởng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh cũng cho biết, khi sáp nhập các trường học thì sẽ tinh gọn bộ máy lãnh đạo, quản lý, nhưng cũng cần tính toán, duy trì các điểm trường để tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu học sinh đi lại, học tập.

ba010f3fe7242d7a7435.jpg
Đồng chí Hoàng Thị Thu Trang, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy kiến nghị với Đoàn một số nội dung liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp xã

Đại diện lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Thành giải trình, làm rõ những vấn đề mà Đoàn giám sát đặt ra, khẳng định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, giúp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối. Tuy nhiên, để thực hiện sắp xếp trong thời gian tới thì cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể, hướng dẫn chi tiết giải quyết các vấn đề phát sinh sau sáp nhập, tạo sự chủ động và thuận tiện cho các địa phương thực hiện. Lãnh đạo huyện cũng kiến nghị có cơ chế đặc thù cho các xã sau sáp nhập để khuyến khích việc sắp xếp đơn vị hành chính.

dc120921e13a2b64722b.jpg
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH kết luận cuộc làm việc

Kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thái Thị An Chung ghi nhận những kết quả huyện Nghĩa Đàn đạt được trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời đề nghị huyện tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư đã đề ra để đảm bảo hết năm 2024, số lượng cán bộ, công chức xã Nghĩa Thành tuân thủ theo quy định; xử lý cơ sở vật chất, tài sản công theo phương án sau khi được phê duyệt để đảm bảo tính hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí; triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xã Nghĩa Thành sau khi được thông qua; huyện cũng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho xã mới sáp nhập và quan tâm công tác tư tưởng trong cán bộ, Đảng viên và quần chúng Nhân dân. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn khá nhiều, vì vậy, trong thời gian tới huyện cần có sự tính toán, chủ động cho việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 – 2030. Đoàn giám sát ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của huyện để phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền./.

Thu Nguyễn

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh