Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu những bất cập trong quá trình thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; theo đó hai cơ chế gồm: Nhà nước thu hồi đất và chủ đầu tư dự án thỏa thuận với người sử dụng đất.
Theo đại biểu Thái Thanh Quý, việc thực hiện hai cơ chế này đã và đang tạo ra những bất cập, xung đột về lợi ích giữa công tác quản lý Nhà nước và người dân, cũng như giữa chủ đầu tư dự án với người dân; mà Luật Đất đai các giai đoạn chưa giải quyết được.
Bởi khi Nhà nước thu hồi đất thì thực hiện theo bảng giá quy định; còn chủ đầu tư dự án thỏa thuận với người sử dụng đất thì do hai bên thỏa thuận. Từ đó, tạo nên sự không công bằng giữa hai khu vực dân cư với nhau, nhiều khi chỉ cách nhau con đường hoặc bờ rào vì bên này dự án do Nhà nước thu hồi đất còn bên kia doanh nghiệp thỏa thuận.
Thậm chí, việc áp dụng hai cơ chế này cùng thực hiện trong một dự án như: Dự án trạm dừng nghỉ gắn liền với kinh doanh xăng dầu; trong đó đất thu hồi để kinh doanh xăng dầu là Nhà nước thu hồi; còn đất xây dựng trạm dừng nghỉ lại do doanh nghiệp thỏa thuận; hoặc xây dựng chợ dân sinh gắn với trung tâm thương mại, trong đó phần đất xây dựng chợ dân sinh là Nhà nước thu hồi đất, còn đất xây dựng trung tâm thương mại do doanh nghiệp thỏa thuận…
Từ thực tiễn trên, việc thu hồi đất gặp khó khăn, làm chậm tiến độ đầu tư công, nhất là ở những công trình trọng điểm, công trình vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện vẫn đưa vào hai cơ chế thu hồi đất trên, đây là vấn đề cần nghiên cứu để tháo gỡ bất cập trên.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi cho rằng, để giải quyết thấu đáo, cần hạn chế tối đa, hoặc không nên thực hiện các trường hợp đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư mà về cơ bản tất cả các trường hợp nên thực đấu giá để đảm bảo giá trị tăng thêm của đất đai được về ngân sách Nhà nước.
Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung thêm nội dung người dân sẽ được hỗ trợ tái định cư khi phải di dời phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, bên cạnh hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu quốc gia và cộng đồng như dự thảo luật. Vì trong thực tế khi thực hiện các hoạt động di dân ra khỏi rừng đặc dụng rất khó bố trí đất ở, đất sản xuất.
Đối với hỗ trợ sau thu hồi đất như: Hỗ trợ việc làm, sản xuất, kinh doanh, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng cho rằng nên thay bằng quy định bồi thường, để có tính pháp lý cao hơn; cũng như phải luật định một cách chặt chẽ yêu cầu phải hoàn thành việc bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất.
Đối với nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, dự thảo đang đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết, tuy nhiên theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền nên bàn bạc kỹ để đưa vào luật đầy đủ các vấn đề liên quan đến mặt quan điểm, để tránh việc khiếu kiện khi thực thi. Vì đề cập đến nguyên tắc là nói về mặt quan điểm; và quan điểm thì phải ổn định, chi phối các hoạt động cụ thể.
Còn ông Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn quy định khá chung chung, không rõ đối tượng đối với việc lấy ý kiến cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đại biểu, cần đặt người dân vào vị trí trung tâm để lấy ý kiến khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; do đó luật nên quy định người dân trong vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, để nhân dân có điều kiện giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị bổ sung quy định khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải đăng công khai để người dân nắm được, tránh tình trạng chỉ công bố quy hoạch ban đầu, nhưng khi điều chỉnh thì người dân không nắm được.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rõ hơn một số nội dung trong quy định thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; tránh chung chung, không rõ ràng; đặc biệt một số thủ tục rất cần sự có mặt giám sát của đại diện Hội đồng nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Trần Nhật Minh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ trình tự thủ tục cưỡng chế kiểm đếm cụ thể như trình tự cưỡng chế thu hồi đất và quy định trách nhiệm của lực lượng công an bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành cưỡng chế; để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Liên quan đến tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, đề nghị không nên quy định, người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật trong trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Vì thực tế thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri thì thấy vấn đề quy hoạch “treo” dẫn đến đời sống người dân rất khó khăn, nhất là liên quan đến việc sửa chữa, xây dựng nhà ở.
Còn về quy định hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung thêm quy định hỗ trợ về học tập; và cũng nên phân biệt rõ trường hợp nào bồi thường, trường hợp nào hỗ trợ trong quy định bồi thường, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng khi thu hồi đất.
Tại dự thảo Luật cũng đưa ra quy định, một trong những nguyên tắc xác định giá đất là bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu quy định thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất lại đang cơ bản giống nhau về thành viên. Do đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn về đảm bảo tính độc lập. Mặt khác, với quy định, tổng số thành viên Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể phải có tối thiểu 50% số thành viên là định giá viên hoặc thẩm định giá viên về giá, đại biểu cũng cho rằng, quy định này sẽ khó đảm bảo tính khả thi vì số lượng thẩm định giá viên về giá không nhiều. Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nên bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất đối với đất khu kinh tế.
Chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Tiếp đó, tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Thành Duy - Phan Hậu