Xã Thượng Tân Lộc được sáp nhập từ 3 xã: Nam Thượng, Nam Tân, Nam Lộc. Giám sát tại đơn vị, Đoàn đoàn biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận, quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính được cán bộ và Nhân dân địa phương đồng thuận cao. Thông qua sát nhập, địa phương được bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, như: bổ sung về tiềm lực đất đai, tạo điều kiện để quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn gắn với áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đồng thời có quy hoạch, thu hút đầu tư vào địa bàn.
Cùng với tác động tích cực đến phát triển kinh tế, địa phương có điều kiện chăm lo phát triển văn hoá - xã hội, xoá đói - giảm nghèo… Đặc biệt, công tác cán bộ, công chức được sàng lọc “tinh” và chất lượng hơn; đội ngũ cán bộ, công chức có ý thức tự học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Bởi theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, ai cũng lo lắng bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành ở mức thấp dễ bị đưa ra khỏi bộ máy trong quá trình sắp xếp bộ máy sau sáp nhập.
Bên cạnh những tác động tích cực thì quá trình sáp nhập đang đặt ra những vấn đề bất cập mà các cấp cần nghiên cứu để giải quyết. Khó khăn nhất hiện nay là giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư. Tại xã Thượng Tân Lộc, đối chiếu với quy định tại Nghị đinh 34 của Chính phủ thì thời điểm này số lượng biên chế vẫn đang vượt 15 người.
Cùng với khó khăn trong sắp xếp và thực hiện chính sách cho cán bộ sau sắp xếp thì trong cán bộ, công chức ở các xã sáp nhập cũng có những tâm tư khi khối lượng công việc lớn hơn, nhưng chế độ, chính sách không thay đổi, không đảm bảo công bằng giữa các đơn vị có quy mô nhỏ hơn. Mặt khác, việc xử lý cơ sở vật chất gồm trụ sở, trường học dư thừa do sáp nhập chưa được xử lý, vừa gây lãng phí sử dụng, vừa ảnh hưởng đến công tác quản lý.
Ngoài các yếu tố nêu trên, hiện dân cư xã Thượng Tân Lộc bố trí theo chiều dọc dãy núi Thiên Nhẫn, nên chiều dài từ đầu xã đến cuối xã khoảng 20 km, vì vậy việc đi lại để giải quyết các thủ tục hành chính và các dịch vụ y tế, tài chính của người dân cũng gặp những khó khăn. Từ thực tế này, lãnh đạo xã Thượng Tân Lộc đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung vào tiêu chí, điều kiện sáp nhập, ngoài tiêu chí diện tích, dân số cần bổ sung thêm tiêu chí quy định về chiều dài, khoảng cách đi lại của người dân.
Kết luận tại cuộc làm việc, bà Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng như giải quyết các vấn đề sau sắp xếp liên quan đến cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và cơ sở vật chất.
Nhấn mạnh mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Thái Thị An Chung mong muốn địa phương tiếp tục khắc phục khó khăn, ổn định tổ chức bộ máy cũng như tư tưởng của cán bộ, công chức; gắn với đó là có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời bám sát các chủ trương của Trung ương, của tỉnh để giải quyết các vấn đề đang đặt ra liên quan đến cán bộ dôi dư và xử lý cơ sở vật chất dư thừa.
Bà Thái Thị An Chung cũng đã ghi nhận đề xuất của địa phương để báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, giải quyết./.
Phương Thảo