Sáng 13/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đồng chí Thái Thị An Chung – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội nghị, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động, gửi dự thảo Luật xin ý kiến một số bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.
Thảo luận tại phiên họp, ý kiến các đại biểu cho rằng, Luật Điện ảnh năm 2006 có nhiều quy định không còn phù hợp thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan cần có sửa đổi phù hợp hơn.
Đồng chí Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh đề nghị trong dự thảo cần mạnh dạn cho phép thực hiện tư nhân hóa và hiện đại hóa nền điện ảnh. Ảnh: Thanh Lê
Ý kiến các đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần có chính sách đột phá để phát triển điện ảnh, công nghiệp hóa điện ảnh; quy định chính sách chung về phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa.
Cần phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, đặc biệt từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
TS Đinh Văn Liêm - Trường Đại học Vinh phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Liên quan đến Điều 8 về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi cần nghiên cứu điều luật mang tính tổng quát, chiến lược, định hướng hợp tác, hội nhập và quy định rõ những điều nghiêm cấm hoạt động điện ảnh.
Các đại biểu đề nghị cần có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào phát triển điện ảnh, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Một số ý kiến các đại biểu cho rằng, Nhà nước không nên đầu tư ngân sách sản xuất phim truyện, có thể đầu tư một phần hoặc chỉ đầu tư cho các phim thời sự.
Phương án tốt nhất Nhà nước có thể bỏ tiền ra mua các sản phẩm phim truyện khi đã hoàn thành phù hợp với mục đích, yêu cầu của mình. Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu, phân cấp, phân quyền trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Ý kiến của các đại biểu thảo luận về các nội dung: Hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh. Việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; phân loại phim.
Về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh; về đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp giấy phép phân loại phim; quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh.
Đồng chí Thái Thị An Chung kết luận hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Các ý kiến góp ý tập trung vào các vấn đề còn nhiều băn khoăn như việc phổ biến, phát hành phim, việc kiểm duyệt phim, lưu chiểu phim, cấp phép, phân loại phim, thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh… Dự thảo Luật cần nghiên cứu phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp,…
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu. Các ý kiến của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp sắp tới.
Thanh Lê