Hoàn thành khối lượng công việc lớn
Trên cơ sở dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung lấy ý kiến góp ý 11 dự án luật. Trong đó có 5 dự án luật được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, gồm Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ). Có 6 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Để đảm bảo việc góp ý vào các dự án luật chất lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến theo 2 hình thức: tổ chức hội nghị trực tiếp và lấy ý kiến góp ý bằng văn bản đối với các ngành liên quan hoặc một số cá nhân chịu tác động trực tiếp từ luật, đội ngũ công tác viên xây dựng pháp luật. Ông Trần Nhật Minh - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng: “Các ý kiến tham gia góp ý vào các dự án luật đều thể hiện trăn trở, trách nhiệm. Các ý kiến nghiên cứu kỹ dự thảo và từ thực tiễn điều hành, quản lý đặt ra những bất cập để góp ý sâu sắc và chất lượng. Từ ý kiến góp ý các cơ quan, ngành, cá nhân, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiên cứu, chắt lọc, tổng hợp, báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh sửa trong quá trình xây dựng các dự án luật; đồng thời làm tư liệu tham gia góp ý kiến đóng góp xây dựng luật tại kỳ họp Quốc hội này”.
Hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh triển khai sớm với 21 cuộc tiếp xúc cử tri tại 21 huyện, thành, thị xã. Theo dõi các hội nghị tiếp xúc cử tri, chúng tôi ghi nhận, các cuộc tiếp xúc cử tri đều có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo cấp huyện tham gia đã trực tiếp cung cấp nhiều thông tin, giải đáp rõ nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền, góp phần nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri. Các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, cầu thị, tiếp thu các ý kiến, đề xuất của cử tri; đồng thời giải trình làm rõ nhiều nội dung, chia sẻ những khó khăn, bức xúc của cử tri liên quan đến tồn tại, bất cập về đất đai, quy hoạch, giá cả tăng cao và bất cập của chính sách; gửi gắm mong muốn các địa phương quan tâm giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền cấp huyện và xã.
Từ ý kiến phản ánh, đề xuất của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp, phân loại nhóm nội dung theo thẩm quyền Trung ương, tỉnh và theo ngành, lĩnh vực để báo cáo với các cấp giải quyết. Cụ thể, đối với thẩm quyền Trung ương có 23 nội dung kiến nghị; trong đó có 2 kiến nghị liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và kiến nghị sớm triển khai đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác đánh bắt hải sản vùng biển chung trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc; đồng thời tăng cường, củng cố đội tàu chấp pháp, an ninh ở ngoài khơi để bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt hải sản. Có 19 nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ, ngành Trung ương liên quan đến đất đai, khoáng sản, chính sách nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, dự án điện, sắp xếp đơn vị hành chính…
Tương tự, đối với thẩm quyền cấp tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp 27 nội dung kiến nghị. Đáng quan tâm là hiện tượng tiêu cực, “cò” dịch vụ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình trạng dự án treo, chậm tiến độ, quy hoạch thời gian dài không triển khai, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, ảnh hưởng việc xây dựng nhà cửa của người dân, lãng phí nguồn lực đất đai; tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động làm hư hỏng, xuống cấp đường giao thông; xử lý dứt điểm về các kiến nghị còn tồn đọng liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư thuỷ điện trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông...
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã tiến hành làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh để nghe tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng như những khó khăn, bất cập, kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Trung ương; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến và thực hiện các kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội từ đầu năm đến nay. Bao gồm giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021; việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; việc thực hiện pháp luật về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021. Bà Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Thông qua cuộc làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục đôn đốc UBND tỉnh tiếp tục quan tâm giải quyết tốt hơn kiến nghị, phản ánh của cử tri thuộc thẩm quyền; nội dung nào giải quyết được thì cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể, nội dung nào không giải quyết được trả lời rõ để đoàn có cơ sở trả lời cử tri; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành giải quyết đầy đủ, trách nhiệm các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đối với 4 chuyên đề được giám sát vừa qua. Cuộc làm việc cũng giúp đoàn có thêm nhiều thông tin, nhất là những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến và đề xuất trong các hoạt động tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.
Một số đổi mới tích cực
Trước yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội đặt ra cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh những trăn trở nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng nâng cao về chất lượng. Bởi vậy, hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đổi mới bằng việc tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với tại 2 xã Nghi Tiến và Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quy hoạch sử dụng đất và công tác giải phóng mặt bằng. Đây là cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đầu tiên của đoàn ĐBQH tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Ông Nguyễn Bằng Phi - Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, cho rằng, chuyên đề được đoàn ĐBQH lựa chọn tiếp xúc cử tri đang là vấn đề bức xúc ở địa bàn 2 xã khi có một số quy hoạch nhiều năm chưa triển khai; một số công trình bức thiết cần được quy hoạch đầu tư, như tuyến đê ven biển gắn với xây dựng đường giao thông từ xã Nghi Yên đến xã Nghi Tiến, Nghi Thiết; khu neo đậu, hậu cần nghề cá tại xã Nghi Thiết; dự án đầu tư kè chống sạt lở dọc hạ lưu sông Cấm và một tuyến giao thông… Qua tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh đã tiếp thu, giải trình; đồng thời gợi mở, xúc tiến các bước để trình Quốc hội và tỉnh đưa vào danh mục đầu tư tuyến đường ven biển, kè chắn sóng và một số công trình khác, tạo niềm tin tưởng của cử tri.
Cùng với tiếp xúc chuyên đề, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu và nghiên cứu ý kiến với thái độ chia sẻ, đồng cảm với khó khăn của cử tri vay vốn đóng tàu, trong đó có một số người có nguy cơ mất nhà cửa do thế chấp ngân hàng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có cuộc làm việc trực tiếp với Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An và một số ngân hàng thương mại; Toà án nhân dân tỉnh; Cục Thi hành án tỉnh để nghe và đánh giá khách quan việc thực hiện chính sách tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và tình hình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. “Trên cơ sở cuộc làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các ngành đã thống nhất và “chốt” lại một số nội dung kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ, giải quyết”, bà Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết.
MINH HÀ