Tham dự có các đồng chí: Trần Nhật Minh - Đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Khoa học và Công nghệ.

Sớm hoàn thành việc đưa điện về thôn, bản

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngày 03/11/2015, Sở Công Thương đã có Văn bản số 1333/SCT-TTr.TKNL tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5496/QĐ-UBND.CN ngày 24/11/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đưa chỉ tiêu phấn đấu tiết kiệm 6 đến 9% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2016 - 2020 so với dự báo nhu cầu năng lượng.

bna-anh-3-8974.jpg

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương báo cáo về tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của Sở. Ảnh: An Quỳnh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng là cơ sở để phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối trên địa bàn tỉnh Nghệ An đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng dân cư. Các dự án dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch đã được triển khai đầu tư xây dựng và cơ bản đã hoàn thành vận hành phát điện.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 22 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 935,9MWh. Việc đầu tư cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện được quan tâm thực hiện, trong giai đoạn 2016-2021, đưa điện về được 167 thôn, bản/263 thôn, bản và có 96 thôn bản đang chuẩn bị hoàn thành (đóng điện trong quý I/2023).

Về tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An được giảm theo hàng năm, cụ thể năm 2016 là 9,08%, năm 2017 là 8,36%, năm 2018 là 8,03%, năm 2019 là 8,23%, năm 2020 là 7,96%, năm 2021 là 7,19%.

Trong giai đoạn 2016-2021, Sở Công Thương cũng chú trọng việc quản lý xăng dầu trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và dự trữ điều kiện thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước ổn định. Hiện toàn tỉnh có hơn 700 cửa hàng xăng dầu, 08 thương nhân phân phối xăng dầu, 01 tổng đại lý, 03 kho xăng dầu thương mại với tổng sức chứa khoảng 180.000m³, 08 trạm nạp LPG và hơn 900 cửa hàng bán lẻ LPG. Sở Công Thương cũng dự báo từ nay đến 2025, mức xăng tiêu thụ tối thiểu từ 3% đến 5% mỗi năm, đạt khoảng 950.000m3.

Hàng năm Sở Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như: Đăng các bài viết truyền thông về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên báo giấy và báo điện tử; Xây dựng phóng sự trên truyền hình Nghệ An; in và phát cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền; Tổ chức hội nghị tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp về chuyển đổi thiết bị, công nghệ mới đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Hơn 52 tỷ đồng để thực hiện công tác trồng rừng thay thế

Nhằm góp phần triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong phát triển năng lượng, ngày 12/10/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 4955/QĐ- UBND liên quan đến kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

bna-anh-7-5945.jpg

Đồng chí Võ Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tại buổi giám sát chuyên đề. Ảnh: An Quỳnh.

Tính đến thời điểm tháng 12/2021, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được 24/25 đơn vị thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tốt với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cho ý kiến về việc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các dự án năng lượng trên địa bàn. Góp phần không nhỏ trong việc quản lý và bảo vệ rừng; đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ.

Tổng diện tích chuyển đổi của các nhà máy thủy điện là hơn 2.570 ha đất có rừng, số tiền nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để thực hiện công tác trồng rừng thay thế là 52,086 tỷ đồng.

Thực hiện Luật Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp huyện trong việc triển khai thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án điện lực trên địa bàn. Việc thu hồi đất, lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án thủy điện nói riêng và các dự án điện lực nói chung đã được triển khai kịp thời, đảm bảo theo đúng quy định, đúng thẩm quyền; góp phần vào việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Nhằm thực hiện đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, năm 2016 - 2021, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện 141 cuộc thanh tra đối với 230 tổ chức, cụ thể: 90 cuộc thanh tra chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ; 49 cuộc đối với UBND cấp huyện, xã (Trong đó: 07 cuộc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước đối với 07 UBND các huyện; 42 cuộc đối 42 UBND cấp xã).

7 dự án đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ thiết bị

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ luôn chú trọng đến phát triển năng lượng của tỉnh với phương châm “Ưu tiên, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên phi truyền thống như năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, từ chất thải rắn nhằm tạo ra nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh”.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ: 10 sáng chế, giải pháp hữu ích; 82 nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; 7 dự án đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ thiết bị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với tổng kinh phí được hỗ trợ là 3.980 triệu đồng.

bna-anh-6-4511.jpg

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đồng chí Trần Quốc Thành báo cáo tại buổi giám sát chuyên đề. Ảnh: An Quỳnh.

Nhiều sáng chế hữu ích, kiểu dáng công nghiệp của các nhà khoa học, các cá nhân trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng phục vụ ngành cơ khí, vật liệu xây dựng đã sản xuất phục vụ người dân, doanh nghiệp trong cả nước. Điển hình như: Thiết bị nuôi cá lồng bằng nhựa HDPE của Công ty TNHH MTV Công nghệ và dịch vụ Nuôi trồng Thủy sản; Thiết bị sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu (Quỳnh Lưu),… và nhiều đơn vị khác.

Một số công trình KHCN điển hình như: Nghiên cứu thành công dây chuyền công nghệ sản xuất gạch xây, gạch Terrazzo, gạch tự chèn ứng dụng công nghệ ép tĩnh thủy lực và công nghệ mâm xoay giúp quy trình sản xuất khép kín, theo quy trình tuần hoàn liên tục, tạo ra nhiều điểm khác biệt tốt hơn so với sản phẩm hiện có trên thị trường.

Hiệu quả kinh tế của 1 nhà máy sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất gạch xây, gạch Terrazzo, gạch tự chèn với công suất 1 năm là 3,5 tỷ viên gạch không nung có thể tiết kiệm được 5,25 triệu m3 đất sét, 535.000 tấn than và giảm thải vào khí quyển 2,04 triệu tấn khí CO2.

Mô hình sản xuất thử nghiệm và vận hành hệ thống Biogas đa năng Vị Nông xử lý rác thải sinh hoạt, phế phụ phẩm chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình thử nghiệm sản xuất hệ thống tưới nước tự động bằng năng lượng mặt trời phục vụ cho các cây trồng chủ lực như Cam, Bơ, Chè, Dứa… nhằm khắc phục hạn hán tăng năng suất cây trồng…

Quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại

Tại buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo của các sở, các thành viên trong đoàn giám sát đã đề nghị làm rõ một số nội dung. Trong đó, với Sở Công Thương là những vấn đề liên quan đến việc đánh giá sử dụng tiết kiệm năng lượng cách hiệu quả; quy chuẩn mạng lưới điện thôn, bản…

toan-canh-buoi-giam-sat-thuc-hien-chuyen-de-2001--n1.jpg

Toàn cảnh buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: An Quỳnh

Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo rõ về nội dung liên quan đến ảnh hưởng của các dự án năng lượng tác động như thế nào đến môi trường và đời sống dân sinh..

Sở Khoa học và Công nghệ tập trung vấn đề phát triển ngành cơ khí năng lượng cũng như các nguồn năng lượng tái tạo điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An,…

Theo đó, đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã giải đáp, làm rõ các vấn đề liên quan, cũng như kiến nghị một số vướng mắc, bất cập.

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao công tác quản lý nhà nước và thực hiện chính sách về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh của các sở. Theo đó, các sở đã tham mưu tốt để ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý thực hiện việc phát triển năng lượng. Đồng thời, đã quan tâm, chỉ đạo sát sao đến việc xử lý khó khăn, vướng mắc của các đơn vị cấp huyện trong việc thực hiện các dự án đảm bảo năng lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên; Nhiều chương trình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đặc biệt đã hoàn thành cơ bản việc cấp điện cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nâng số người dân được sử dụng điện trên toàn tỉnh lên tới 98%.

bna-anh-5-9196.jpg

Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi giám sát. Ảnh: An Quỳnh.

Bên cạnh đó, đồng chí Thái Thị An Chung cũng mong muốn Sở Công Thương quan tâm hơn nữa việc tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân trong việc sử dụng năng lượng điện; hỗ trợ, đôn đốc các dự án chậm tiến độ; đẩy mạnh đầu tư dự án điện ở các vùng khó khăn;...

Sở Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất xây dựng trạm biến áp và các dự án điện; tăng cường công tác đánh giá tác động đến môi trường khi thực hiện dự án năng lượng trên địa bàn.

An Quỳnh