Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Dự buổi làm việc có đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, các đồng chí trong Đoàn ĐBQH, đại diện các ban, ngành liên quan.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa đoàn giám sát với các đơn vị: Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Ảnh: Đ.C
Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị đã được tổng hợp trước đó, các ý kiến tại buổi làm việc đề nghị làm rõ số liệu tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp xã 7.589 ngày, trong đó ủy quyền 7.057 ngày, tỷ lệ 93%. Qua đây, cần đánh giá rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc tiếp công dân.
Từ công tác tiếp công dân trên địa bàn toàn tỉnh của các cấp, các ngành cần đánh giá rõ số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng có sự chỉ đạo của cấp trên phải xem xét lại hoặc những vụ việc đã chấm dứt thụ lý nhưng công dân vẫn còn khiếu nại phức tạp, kéo dài, đông người; tỷ lệ các vụ việc được giải quyết trong thời hạn, quá thời hạn…
Các đại biểu nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: Đ.C
Các ý kiến cũng đề nghị đánh giá công tác phối hợp giữa các ngành; tình hình giải quyết các vụ án hành chính, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước khi tham gia tố tụng tại tòa án; tình hình kết quả giải quyết những khiếu nại, tố cáo có liên quan đến cán bộ công chức của các ngành...
Theo đó, các đơn vị đã bổ sung, trình bày làm rõ thêm nhiều nội dung trọng tâm, cũng như đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề. Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận kết quả các đơn vị đạt được từ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho đến công tác tiếp công dân được duy trì, nề nếp. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại tố cáo đạt cao, cùng với đó đã tăng cường công tác đối thoại, tập trung giải quyết các vụ việc kéo dài, đông người. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm cũng đã được triển khai đồng thời.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: Đ.C
Trong thời gian tới, để công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả, các đơn vị cần đôn đốc chỉ đạo trong công tác này, trước hết trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cần đảm bảo quyền khiếu nại tố cáo.
Cụ thể, trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cần nêu cao vai trò của người đứng đầu, có lịch tiếp công dân; chú trọng việc phân loại đơn thư, xử lý đơn thư nào thuộc chuyển trả, đơn nào chuyển xử lý; tiếp tục phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc công khai, liên thông giữa các đơn vị trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để biết được vấn đề nào đó đã được giải quyết hay chưa. Một vấn đề cũng cần tập trung đó là cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu về quyền, trách nhiệm của mình trong khiếu nại, tố cáo - đồng chí Thái Thị An Chung nhấn mạnh.
Đặng Cường