Đó là cầu Bến Thuỷ 1, Bến Thuỷ 2, Bến Thuỷ 3, cầu Cửa Hội, trong khi đó, cầu Hưng Đức (Hưng Nguyên- Đức Thọ) trên cao tốc Bắc -Nam đang gấp rút xây dựng. Cùng với cầu, hệ thống đường bộ với những tuyến đường lớn ngày một hiện diện làm cho đô thị Vinh ngày một thuận lợi, bề thế…
Là "trung tâm hướng ra biển”
Nếu như trước đây tuyến tránh Vinh bao quanh phía Tây thành phố giới hạn thành phố phía này thì cao tốc Bắc- Nam qua Hưng Nguyên kết nối với các tuyến Quốc lộ 1A, tránh Vinh, Quốc lộ 46 Nam Đàn về Thanh Thuỷ, đường ven sông Lam… làm cho giới hạn này bị mờ nhạt. Trong khi đó, Đại lộ Vinh- Cửa Lò đang ngày đêm thi công quyết liệt, đoạn gần phía Cửa Lò đã hiện diện rõ cung đường rộng 160m kết nối với đường Bình Minh mở rộng, đường ven biển, cầu Cửa Hội, đường ven sông Lam.
Trong nội đô, đường 72m kết nối từ đường Vinh - Cửa Lò lên xã Hưng Tây và Khu Công nghiệp VSIP mở ra tiềm năng rộng lớn về đất đai. Về phía Đông, TP.Vinh đang kết nối mạnh mẽ với Khu Kinh tế Đông Nam là khu kinh tế trọng điểm của Nghệ An và thị xã Cửa Lò…Với những kết nối ngày một rõ hơn về giao thông hiện tại và tương lai và vị thế được xác định trong Nghị quyết 39/2023 của Bộ Chính trị “tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội để xây dựng đô thị Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của cả vùng Bắc Trung Bộ”, cho thấy Vinh đang ngày một có vị trí quan trọng khẳng định tầm vóc của trung tâm vùng.
Thành phố Vinh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An, là vùng trọng điểm trong liên kết hợp tác cùng phát triển với Khu Kinh tế Đông Nam. Bên cạnh đó, với việc mở rộng ra hướng Cửa Lò, thành phố Vinh sẽ trở thành “Trung tâm hướng ra biển” với vai trò thúc đẩy giao lưu trong và ngoài nước thông qua việc phát triển kinh tế biển.
Thành phố Vinh được xác định là đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ; Đô thị loại I, trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo. Có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng, đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế. Thành phố Vinh sẽ giải quyết các vấn đề chính về phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ. Là trung tâm văn hóa, thể thao, y tế của vùng Bắc Trung Bộ; Trung tâm công nghiệp vùng Bắc Trung Bộ; Trung tâm tài chính, văn hóa, du lịch, dịch vụ vùng Bắc Trung Bộ; Trung tâm đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vùng Bắc Trung Bộ và liên kết với các đô thị trong tỉnh, các tỉnh khác trong vùng như Thanh Hóa, Hà Tĩnh để cùng phát triển.
Hiện nay, TP.Vinh là đầu mối giao thông vùng Bắc Trung Bộ trên toàn quốc và quốc tế. Thành phố Vinh nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam và là địa phương có hệ thống giao thông đặc biệt thuận lợi về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; nắm giữ vị trí trọng yếu trên con đường vận chuyển trong nước từ Bắc vào Nam và ngược lại. Đồng thời, rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - văn hóa trong khu vực và quốc tế.
Về giao thông đối ngoại: Thành phố có hệ thống giao thông đối ngoại rất thuận lợi với các tuyến quốc lộ theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây, gồm: Đại lộ Thăng Long (Quốc lộ 1A) - chạy xuyên qua trung tâm thành phố theo hướng Bắc - Nam với chiều dài 15 km; Quốc lộ 1A đoạn tránh ở phía Tây nhằm giảm tải giao thông trong khu vực trung tâm; Quốc lộ 46, Quốc lộ 46C, Đường tỉnh 535, Đường tỉnh 535B
Mạng lưới giao thông nội đô ngày càng được cải thiện, nâng cấp, có thể thấy rõ ở các đường: Quang Trung, Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sỹ Sách... tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ cho các vùng phát triển. Mạng lưới giao thông nội thị đã được rải nhựa hoặc đổ bê tông xi măng với mật độ đường giao thông đạt 12 km/km². Giao thông công cộng của thành phố đã được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và khách tham quan du lịch; thuận tiện kết nối, giao thương với các tỉnh lân cận trong vùng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã đưa 16 tuyến xe buýt vào hoạt động như: Tuyến 01 - cầu Bến Thủy đến thị xã Cửa Lò, tuyến 03 - cầu Bến Thủy đi huyện Đô Lương; tuyến 04 - thành phố Vinh đi thị xã Hoàng Mai,... Ngoài ra, còn các tuyến xe buýt liên tỉnh từ Hà Tĩnh - thành phố Vinh. Trung bình mỗi ngày có hơn 250 chuyến từ thành phố Vinh đi các địa phương trong và ngoài tỉnh
Hệ thống đường sắt: Tất cả các chuyến tàu trên cả nước đều dừng đón và trả khách tại Ga Vinh. Đây là 1 trong 2 ga lớn nhất miền Trung (cùng với Ga Đà Nẵng) và quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc- Nam. Ga có diện tích 16.500 m2 trên địa bàn xã Hưng Đông và phường Quán Bàu. Ngoài các chuyến tàu Thống Nhất, thành phố còn có các chuyến tàu xuất phát từ Ga Vinh đi miền Bắc là NA1, NA2 và đi miền Trung là VQ1, VQ2.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai nghiên cứu khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao, theo đó, dự kiến bố trí 01 nhà ga đường sắt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên nằm tiếp giáp với khu vực thành phố Vinh, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách tham quan du lịch.
Thành phố cũng thể hiện sự lớn mạnh về thu ngân sách. Là địa phương dẫn đầu tỉnh Nghệ An về số thu, tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 6.863,7 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách trên địa bàn thành phố Vinh năm 2022 là 2.160,881 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm thu ngân sách thành phố đạt 2000 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân đầu người trong những năm qua liên tục tăng, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 77,90 triệu đồng/người/năm. Trong giai đoạn 2019 - 2022, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế thành phố chủ yếu là ngành công nghiệp - xây dựng và ngành thương mại - dịch vụ. Riêng ngành nông - lâm - ngư nghiệp đóng góp không đáng kể. Tổng giá trị sản xuất tính theo giá hiện hành năm 2022 đạt 96.798,75 tỷ đồng, tăng 9,02% so với cùng kỳ, 9 tháng đầu năm 2023 giá trị này ước đạt 48.582 tỷ đồng, bằng 72,66% KH.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh quy hoạch phát triển 5 cụm công nghiệp, trong đó, các cụm công nghiệp Nghi Phú, Hưng Lộc, Đông Vĩnh đang hoạt động và đã được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ. Các khu, cụm công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ về hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước sạch, xử lý nước thải. Hoạt động thương mại - dịch vụ những năm gần đây luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với hàng hóa đa dạng, phong phú. Giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ năm 2022 đạt 48.258,55 tỷ đồng, chiếm 49,85% tổng giá trị sản xuất và tăng 13,64% so với cùng kỳ, 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 23.277 tỷ đồng, bằng 72,91% KH
Phát triển đô thị thông minh, bền vững
Là đô thị trẻ và phát triển bền vững, thành phố Vinh luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương lẫn cộng đồng trong nước và thế giới trong hành trình phát triển. Lãnh đạo thành phố cho biết: Thành phố thường xuyên chủ động kết nối để có các dự án lớn nhằm cải thiện hạ tầng và chống biến đổi khí hậu như Dự án WB 1, 2 “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Lồng ghép đề xuất Trung ương hỗ trợ thực hiện một số dự án trọng điểm: Mở rộng tuyến đường 35m từ Quốc lộ 46 đến đường ven sông Lam; xây dựng kênh thoát nước nối sông Kẻ Gai đến sông Rào Gừng; cải tạo, nâng cấp vỉa hè và hạ ngầm Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Vinh; vỉa hè đường Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Du và sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án.
Thành phố tập trung chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình: Tuyến đường từ sân bay Vinh đến khu vực xung quanh Quảng trường Hồ Chí Minh, đường Lý Thường Kiệt, đường Lê Mao (giai đoạn 2), chỉnh trang các tuyến đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ…
Hiện nay, một số đảo giao thông được nâng cấp, trồng mới hệ thống thảm cỏ, cây xanh, cây cảnh trên các bulva, chỉnh trang hệ thống đèn chiếu sáng đô thị, đèn Led trang trí các toà nhà; tôn tạo đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Tập trung triển khai các giải pháp để thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế đêm. Thành phố tích cực phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh; xây dựng Dự thảo Đề án phát triển thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045….với các dự án mới.
Bên cạnh đó, thành phố đang náo nức chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng - Trung Đô với chủ đề “Vinh - 60 năm Hội tụ và Tỏa sáng”.