Cuộc họp do ông Phạm Thành Chung - Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì. Tham gia cuộc thẩm tra có các ông: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và một số sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan.
Nghệ An phải giảm 5.587 người làm việc hưởng lương ngân sách
Tại cuộc họp, Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết phê duyệt tổng số người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp và tổ chức hội năm 2023 theo Nghị định số 68 của Chính phủ.
Dự thảo nghị quyết phê duyệt tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 54.108 người. Trong đó, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh và ủy ban nhân dân cấp huyện là 53.948 người.
Số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh đoàn và Hội Nông dân là 65 người; tại các tổ chức hội là 95 người.
Số lao động hợp đồng theo Nghị định số 68 của Chính phủ trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp là 201 người.
So sánh với tổng biên chế do Bộ Nội vụ giao năm 2022, tổng số người làm năm 2023 trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện giảm 916 người.
Thẩm tra về dự thảo nghị quyết phê duyệt tổng số người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp và tổ chức hội năm 2023 theo Nghị định số 68 của Chính phủ; vấn đề được các thành viên tham gia dự họp quan tâm, đề xuất Sở Nội vụ làm rõ số lượng biên chế năm 2023 so với năm 2022 chỉ giảm 916 người, trong khi đó yêu cầu được Bộ Nội vụ đặt ra cho tỉnh Nghệ An số lượng biên chế phải giảm đến năm 2025 là 5.587 người so với tổng biên chế được giao năm 2022.
Một số ý kiến cũng đề xuất Sở Nội vụ rà soát số lượng người làm việc đối với ngành Y tế và Giáo dục - Đào tạo, đây là 2 ngành có số lượng người làm việc lớn; đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nội vụ với Giáo dục – Đào tạo và Y tế trong việc xác định rõ người làm việc, hạn chế thấp nhất tình trạng thừa - thiếu cục bộ; đặc biệt là đảm bảo được chỉ tiêu giảm số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập mà Bộ Nội vụ yêu cầu đối với Nghệ An.
Sáp nhập, đổi tên xóm tại 4 huyện
Cũng trong chiều nay, Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết sáp nhập, đặt tên, đổi tên xóm ở các xã thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành và Diễn Châu.
Cụ thể, huyện Nghĩa Đàn sáp nhập 7 xóm thành 3 xóm; huyện Tân Kỳ sáp nhập 4 xóm thành 2 xóm; huyện Yên Thành sáp nhập 2 xóm thành 1 xóm. Về đổi tên xóm, huyện Diễn Châu có 8 xóm; huyện Tân Kỳ có 2 xóm; huyện Yên Thành có 7 xóm.
Thẩm tra về báo cáo kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2022, các thành viên dự họp đề xuất UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh cần tăng cường đẩy mạnh các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông.
Trong đó, quyết liệt hơn việc xử lý nồng độ cồn – đây là nguyên nhân lớn dẫn đến tai nạn giao thông; tăng cường hình thức kiểm soát và xử lý vi phạm an toàn giao thông bằng hệ thống camera; tăng cường xử lý xe quá khổ, quá tải; kiên trì lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông…
Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng tiến hành thẩm tra các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác cải cách hành chính; kết quả phòng, chống tham nhũng; kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Mai Hoa