Nhiều thiết bị phải đắp chiếu vì không có cơ chế sửa chữa, thay thế
Theo báo cáo của Bệnh viện, từ năm 2021 đến nay công tác mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ hoạt động của Bệnh viện và nhu cầu điều trị của người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số loại thuốc có hiện tượng thiếu cục bộ, thiếu một số trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác chuyên môn, nhất là thiếu rất nhiều thiết bị y tế khi triển khai hoạt động tại dự án Bệnh viện giai đoạn 2.
Công tác mua sắm trang thiết bị y tế chậm triển khai thực hiện, có thời điểm từ năm 2021 đến tháng 9/2023, Bệnh viện không thể thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị y tế nào. Đặc biệt theo phản ánh của Bệnh viện, hiện tại Bệnh viện đang trình gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế từ tháng 6/2024, nhưng đến nay sau gần 3 tháng trình quyết định mua sắm, mặc dù hồ sơ đơn vị đã đầy đủ theo quy định, đã thực hiện đúng, đủ quy trình nội dung, song Bệnh viện vẫn chưa được ban hành quyết định mua sắm để tiến hành đấu thầu mua sắm các trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, việc triển khai các gói thầu bảo trì, bảo dưỡng và thay thế linh kiện cho các thiết bị y tế thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến hiện tượng có một số thiết bị y tế đắp chiếu, bệnh viện phải đi “chụp nhờ” do không có cơ chế để sữa chữa, thay thế; việc thực hiện quá trình đấu thầu còn chậm do nhiều văn bản pháp quy liên tục thay đổi, khiến nhiều đơn vị lúng túng khi triển khai.
Trao đổi với Đoàn khảo sát, đại diện Bệnh viện cho rằng nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc cục bộ là do trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình cung ứng thuốc cho người bệnh, đặc biệt đối với những thuốc trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu. Một số đơn vị trúng thầu nhưng không cung ứng được thuốc, hoặc cung ứng gián đoạn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi sử dụng thuốc BHYT của người bệnh.
Các văn bản pháp quy của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu liên tục thay đổi, hiệu lực thời gian ngắn dẫn đến nhiều đơn vị lúng túng khi thực hiện; một số nội dung quy định chưa phù hợp với thực tế dẫn đến khó áp dụng.
Ngoài ra, đại diện Bệnh viện cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ giới hạn thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị hàng hóa, dịch vụ hoặc tổng giá trị mua sắm dưới 150 triệu đồng/một lần mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ là một hạn chế đối với công tác đấu thầu mua sắm hiện nay.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế, Bệnh viện Ung bướu đề xuất Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn phân nhóm kỹ thuật của các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong công tác xây dựng danh mục vật tư, thiết bị y tế đảm bảo lựa chọn được mặt hàng vừa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, vừa phù hợp với khả năng tài chính tại đơn vị; điều chỉnh khoản a, khoản đ Mục 1 Điều 55 Luật Đấu thầu cho phù hợp với thực tế.
Đề nghị tỉnh đẩy mạnh phân cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh trong việc mua sắm để các đơn vị chủ động, thuận lợi trong việc mua sắm, đấu thầu các hạng mục cấp thiết kịp thời hơn.
Ngoài ra, Bệnh viện Ung bướu cũng đề xuất thành lập Trung tâm đấu thầu tập trung cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế có chức năng tổ chức đấu thầu đối với tất cả các thuốc không nằm trong Danh mục thuốc đấu thầu cấp quốc gia, Danh mục thuốc đàm phán giá cho tất cả các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh để công tác đấu thầu bài bản và đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế; giảm tải khối lượng công việc cho các đơn vị khám chữa bệnh, giúp các đơn vị y tế tập trung vào nâng cao năng lực chuyên môn và tăng cường chất lượng điều trị; khắc phục được tình trạng thiếu thuốc hiện nay đối với các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
TS, BS Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu cho rằng tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là nhiều trang thiết bị có tình trạng đắp chiếu do chưa được sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời là do quy trình thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm kéo dài.
Bên cạnh đó, nhiều quy định chồng chéo, chưa thống nhất, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chưa ban hành kịp thời dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện; một số cán bộ của các cơ sở y tế và cả cơ quan quản lý nhà nước chưa hiểu đúng, đầy đủ, chưa trách nhiệm, còn lúng túng trong quá trình tham mưu, thực hiện, vì vậy, thời gian đơn vị trình quyết định mua sắm kéo dài, có hiện tượng chậm trễ trong công tác tham mưu, xử lý nội dung đơn vị trình. Do đó, đề nghị UBND tỉnh xây dựng quy trình, thủ tục tham mưu, xử lý các nội dung do các đơn vị trình một cách thống nhất, trong đó quy định cơ quan chủ trì tham mưu giải quyết, thời gian giải quyết của các sở, ngành. Đồng thời, phân cấp cho đơn vị có quyền quyết định mua sắm tài sản giá trị cao hơn để đơn chị chủ động, đảm bảo kịp thời nhu cầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Chu Đức Thái ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn của Bệnh viện trong thực hiện mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư thiết bị y tế. Từ năm 2021 đến nay Bệnh viện đã nỗ lực trong công tác mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động của Bệnh viện và nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân; việc mua sắm, quản lý và sử sụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã đảm bảo chặt chẽ, theo đúng quy định.
Đồng chí Chu Đức Thái cũng đề nghị Bệnh viện rà soát, bổ sung, đánh giá, có các kiến nghị cụ thể các nội dung theo yêu cầu của Đoàn khảo sát. Đồng thời, đề nghị Bệnh viện rà soát thuốc, vật tư, thiết bị y tế để có kế hoạch mua sắm kịp thời, chủ động hơn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thực hiện quy trình đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đảm bảo theo đúng quy định; hạn chế tình trạng thiếu thuốc, vật tư ảnh hưởng hoạt động chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân…/.