Quy định hiện hành yêu cầu học viên phải học lý thuyết với thời gian từ 44 - 168 giờ, học thực hành từ 50 - 752 giờ, tùy vào từng hạng bằng lái xe ô tô.

Suốt thời gian học lý thuyết, học viên phải trải qua các môn học: Pháp luật giao thông đường bộ, Cấu tạo và sửa chữa thông thường, Đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông, Kỹ thuật lái xe, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông…

Với quy định trên, Cục Đường bộ cho rằng phần học lý thuyết có những nội dung trùng lặp, không phù hợp. Chẳng hạn, môn Cấu tạo và sửa chữa, trong thời đại hiện nay, các hoạt động dịch vụ ngày càng chuyên môn hóa cao, mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe.

bang-lai-xe-8-505.jpg
Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm thời gian đào tạo lái xe (Ảnh: Anh Hùng)

Đặc biệt, Cục Đường bộ thừa nhận hình thức bắt buộc học trên lớp, điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… không phù hợp với thời đại của khoa học công nghệ và người học.

Trong khi đó, số giờ học thực hành hiện nay gấp đôi so với quy định số giờ học thực hành lái xe của Bộ Quốc phòng, khác xa so với quy định về đào tạo lái xe tại các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực.

Để hoạt động đào tạo lái xe tại Việt Nam phù hợp với việc chuyển đổi số và tạo thuận lợi cho học viên, tại khoản 20 Điều 5, dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2017, quy định thời gian đào tạo đối với các khoá học tối đa 3 tháng.

Đồng thời, dự thảo cũng không quy định số học viên trên 1 xe tập lái, giao quyền chủ động cho cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng khóa, đáp ứng khối lượng chương trình đào tạo cho 1 học viên như sau: Hạng B1 số tự động là 192 giờ (giảm 12 giờ học lý thuyết); hạng B1 là 212 giờ (giảm 8 giờ học lý thuyết); hạng B2 là 226 giờ (giảm 26 giờ học lý thuyết); hạng C là 236 giờ (giảm 26 giờ học lý thuyết)…

Đặc biệt, Cục Đường bộ đề xuất, đối với thực hành lái xe trên đường cần đảm bảo 100% số km và tối thiểu 50% thời gian (quy định hiện nay bắt buộc chạy 810km đường trường trong vòng 40 giờ).

Phù hợp xu thế, tạo điều kiện cho học viên

Trao đổi với phóng viên về đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong quá trình tiếp nhận ý kiến góp ý của các trung tâm đào tạo lái xe và tham chiếu số giờ học lái xe của Bộ Quốc phòng, ông thấy thời gian học lái xe hiện nay không phù hợp, nhiều nội dung lý thuyết trùng lặp, một số môn không cần học quá dài.

“Đa số học viên đều đi làm theo giờ hành chính Nhà nước ở cơ quan, công ty, xí nghiệp... nên phải đi học lý thuyết liên tục là bất khả thi. Trong khi đó, với công nghệ hiện nay, việc cho học viên có thể chọn hình thức tự học, học online, học từ xa, học có hướng dẫn của giáo viên trung tâm là cần thiết. Các cơ sở đào tạo chỉ tập trung quản lý đầu ra nên việc giảm thời gian dạy lái xe và dạy học lý thuyết trực tuyến là phù hợp…”, ông Quyền nói.

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Bắc Hà (Bắc Ninh) cho rằng, hiện nay thời gian quy định học các môn lý thuyết quá dài, một số hạng bằng còn bắt buộc học tập trung dưới sự giám sát của camera, dấu vân tay...

"Với quy định khắt khe như vậy, hầu hết học viên là cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều không thể tham gia. Chưa kể, với quy định cứng về số giờ buộc phải chạy 810km đường trường cũng sẽ xảy ra tình trạng xe tập lái “bò” trên đường", ông Nghĩa bày tỏ.

Vì thế việc quy định rút ngắn thời gian học lý thuyết, không quy định cứng về thời gian chạy đường trường theo các chuyên gia là cách tạo điều kiện thuận lợi cho học viên.