Sự hỗ trợ thiết thực

Chiều 28.3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

thue.jpg Nguồn: ITN

Theo Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế Phạm Thị Minh Hiền, gia hạn thời hạn nộp các loại thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước là sự hỗ trợ rất thiết thực của Nhà nước với doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, với thuế giá trị gia tăng (VAT) của doanh nghiệp từ tháng 3 - 5.2022 và quý I.2022, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng; thuế của tháng 6 và quý II sẽ gia hạn 5 tháng; thuế của tháng 7 gia hạn 4 tháng và gia hạn 3 tháng với thuế VAT của tháng 8. Tổng số thuế giá trị gia tăng nằm trong diện gia hạn khoảng 53.300 - 54.300 tỷ đồng. Với hộ, cá nhân kinh doanh, Bộ đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân chậm nhất ngày 31.12.2022. Số thuế được gia hạn khoảng hơn 15.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo điều kiện hỗ trợ vốn trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, dự thảo Nghị định trình gia hạn tạm nộp thuế của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Thời gian gia hạn là 3 tháng. Ước tính số thuế thu nhập doanh nghiệp được chậm nộp khoảng 51.000 - 52.000 tỷ đồng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của tháng 6, 7, 8 và tháng 9 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cũng được lùi hạn nộp tới 20.11 năm nay.

Với tiền thuê đất, thuê mặt nước, thời hạn nộp tiền thuê hàng năm là 2 kỳ. Kỳ thứ nhất nộp 50% với hạn chót ngày 31.5, kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại với hạn chót ngày 31.10. Cơ quan soạn thảo đề xuất gia hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước của kỳ thứ nhất trong 6 tháng, với hạn chót để hoàn thành nghĩa vụ thuế là 31.11.2022. Số tiền thuê đất, mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 - 3.700 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền thuế và thuê đất dự kiến được gia hạn theo đề xuất của Bộ Tài chính vào khoảng 123.000 - 125.300 tỷ đồng.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô trong nước, theo dự thảo Tờ trình, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9 của năm 2022 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, thời hạn nộp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9.2022 được lùi lại chậm nhất là ngày 20.11.2022. Như vậy, tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn từ 9.300 - 11.400 tỷ đồng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày ký

Tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Thư, Công ty Luật Deloite Việt Nam đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách thay vì giới hạn trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lý do là loại hình doanh nghiệp này được xác định qua quy mô lao động, doanh thu hoặc quy mô vốn. Tuy nhiên, trên thực tế có những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhưng doanh thu, vốn không lớn và giảm mạnh trong dịch bệnh nên không nhận được hỗ trợ, ưu đãi. Bên cạnh đó, bà Thư đề nghị cơ quan thuế không nên quy định việc cộng dồn số thuế phải nộp sau khi gia hạn, vì số tiền lớn sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp, thay vào đó nên cho phép doanh nghiệp nộp linh hoạt hơn.

Đồng tình quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Bình cho rằng, hiện nay rất nhiều dooanh nghiệp gặp khó khăn, do đó dự thảo Nghị định nên mở rộng đối tượng hỗ trợ và mở rộng không gian chính sách, không nhất thiết chỉ hỗ trợ trong thời gian ngắn mà có thể hỗ trợ nhiều năm để tạo động lực cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến các đề xuất này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho biết, việc gia hạn nộp thuế quy định như theo dự thảo Nghị định là thuộc thẩm quyền Chính phủ và không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định. Ông nhấn mạnh, cơ chế giãn, hoãn nộp thuế có tính chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai, từ đó tăng mức đóng góp cho ngân sách. Số thu ngân sách năm 2022 không giảm do doanh nghiệp phải nộp thuế trước ngày 31.12.2022. Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.