Theo báo cáo, từ năm 1993 - 2000, sân bay Vinh được đầu tư sửa chữa và đưa vào khai thác với đường cất hạ cánh có kích thước 2.174x30m.

Từ năm 2001 - 2003, đường cất hạ cánh của sân bay này được nâng cấp từ 2.174m lên 2.400m, mở rộng đường cất hạ cánh từ 30m lên 45m.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn chỉ được duy tu bảo trì để đảm bảo yêu cầu điều kiện về an toàn khai thác và chưa được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tổng thể.

img-bgt-2021-z4483611627613-5b4ab792e74d337f05c634573623c283-1688358064-width1280height720-1152-910.jpeg?width=0&s=meJTrudDg2dvf2VZflNYZA
Sự cố nứt đường băng sân bay Vinh hồi tháng 7 năm 2023. Ảnh: Báo Giao thông

Hiện, đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Vinh đã bị xuống cấp, hết tuổi thọ thiết kế. Mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe; nứt dọc, nứt rạn chân chim; bong bật cốt liệu bê tông nhựa… theo vệt lăn càng trước và càng sau của máy bay, ảnh hưởng đến an toàn khai thác.

Gần đây nhất là sự cố diễn ra vào ngày 3/7/2023, chuyến bay VN1261 ra tới vị trí cất cánh tại đầu 17 đường băng sân bay Vinh thì cơ trưởng phát hiện các mảng bê tông nhựa bị bong bật ở đầu 17 đường băng với diện tích khoảng 41,6m2 (rộng 5,2m, dài 8m). Sự cố được ACV đánh giá là sự cố mức C (uy hiếp an toàn dẫn đến việc tạm thời đóng cửa sân bay) làm 21 chuyến bay bị hủy.

Để đảm bảo khai thác an toàn, bền vững, lâu dài, nâng cao năng lực khai thác của sân bay Vinh có khả năng khai thác được các tàu bay mới hiện đại như A320/A321, ACV đề nghị cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn hiện hữu…

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 745 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý. ACV đề xuất thời gian dự kiến đóng cửa sân bay để thi công vào thời điểm sau cao điểm Tết Nguyên đán năm 2025 và kết thúc thi công trước cao điểm hè năm 2025 (dự kiến khoảng 4 tháng).