Sáng 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề pháp luật, thảo luận một số luật, trong đó có dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Cấm bán lẻ thuốc kê đơn theo phương thức thương mại điện tử
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật lần này đã lược bỏ một số nội dung, làm rõ và cụ thể hơn các quy định so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.
Đi vào nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho hay, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung quy định quản lý đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm điều trị vào phạm vi điều chỉnh của luật này.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội, nhóm sản phẩm trên không phải là thuốc nên không điều chỉnh trong dự thảo Luật.
Về những bất cập trong quản lý nhóm sản phẩm trên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
Liên quan đến quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể điều kiện, các loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc, giá bán…
Ủy ban Xã hội cho rằng, dự thảo Luật đã quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.
Theo đó, dự luật quy định “thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, trừ thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt”; “thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm như: “Cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ”; "cấm bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.
Dự thảo Luật cũng cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến…
Hạn chế việc tăng giá bán buôn thuốc qua mỗi khâu trung gian
Về quản lý giá thuốc, một số đại biểu đề nghị làm rõ quy định kê khai giá bán buôn dự kiến vì không có ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước, làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho các cơ sở.
Có ý kiến đề nghị làm rõ việc tạo ra quyền thẩm duyệt, quyền thẩm định về giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các cơ quan quản lý nhà nước; đề nghị quy định chặt chẽ các biện pháp quản lý giá và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất với Bộ Y tế rằng, do thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và an ninh y tế, nên quản lý giá cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc đến tay người dân có chất lượng với giá hợp lý.
Vì thế, Luật Dược hiện hành quy định biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến nhằm hạn chế việc tăng giá bán buôn qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược, cơ sở tiêu dùng.
Bà Thúy Anh giải thích thêm, để tránh sự hiểu nhầm, biện pháp "kê khai giá bán buôn dự kiến” được đổi tên thành biện pháp để các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến” gửi đến Bộ Y tế để công khai trên cổng thông tin của Bộ.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã quy định cụ thể tại Điều 107 về các biện pháp quản lý giá thuốc, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan.
Về cơ chế quản lý quảng cáo thuốc, một số ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình việc bỏ xác nhận quảng cáo thuốc, đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, quy định chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo sai sự thật, tăng cường trách nhiệm đối tượng tham gia quảng cáo.
Bà Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giữ lại quy định xác nhận nội dung quảng cáo thuốc như luật hiện hành và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung quảng cáo thuốc, hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và xác định nội dung quảng cáo thuốc; yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý quán triệt nghiêm túc Quy định số 178 ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Ông đề nghị các cơ quan phát biểu rõ quan điểm, chính kiến, khách quan, không né tránh vấn đề có nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách.