Sáng 8/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường vào sáng 8/12. Ảnh: Thành Cường
ĐỀ XUẤT THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH CHO PHÉP XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT HỖ TRỢ KINH PHÍ QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Ngọc Sơn (đơn vị Tân Kỳ) đặt vấn đề, tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong khi Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 là có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, khoảng 340 xã. Như vậy, trong 3 năm (2023-2025), tỉnh phải có thêm 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đại biểu Sơn đề nghị sớm hoàn thành mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết, cần tăng thêm số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, việc tăng hay giảm thì cần tránh 2 khuynh hướng: Nợ chỉ tiêu và nôn nóng, chạy theo thành tích dẫn đến vi phạm, mất cán bộ.
Đại biểu Trần Ngọc Sơn (đơn vị Tân Kỳ) nêu vấn đề tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường
Trả lời ý kiến của đại biểu đại biểu Trần Ngọc Sơn (Tân Kỳ), ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt chỉ tiêu có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh là 340 xã.
"Hết năm 2022, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy giai đoạn 2023-2025, tỉnh phấn đấu có thêm 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới để đạt kế hoạch giao, bình quân 10 xã/năm", ông Nguyễn Văn Đệ phát biểu và nhấn mạnh, đây là bước đi chắc chắn, bền vững, phù hợp với thực tế địa phương. Còn 61 xã còn lại sẽ đạt chuẩn nông thôn mới sau năm 2025 trở đi.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi, trả lời vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Thành Cường
Cũng theo ông Đệ, hiện nay các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tiếp tục phấn đấu nâng mức lên nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Vì thế, các chỉ tiêu sẽ tiếp tục được bổ sung và có tính bền vững. Hàng năm, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng như các địa phương sẽ tiếp tục rà soát, mạnh dạn đưa ra khỏi danh sách những xã mà các tiêu chí không đạt nữa. Bên cạnh đó, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt, giao các địa phương khi xây dựng nông thôn mới, chấm các tiêu chí cần chặt chẽ, nhằm tránh nợ các tiêu chí.
Đại biểu Phan Thị Minh Lý (đơn vị Yên Thành) cho rằng, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Đây là lợi thế, tiềm năng lớn để tỉnh đón đầu thị trường tín chỉ các bon theo Nghị định số 06/2022 ngày 7/1/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn.
"Tuy nhiên, trong báo cáo kinh tế - xã hội của UBND tỉnh và trên các diễn đàn chưa thấy đề cập vấn đề này. Vậy, tỉnh có sự chuẩn bị như thế nào để đón đầu chủ trương này và phát huy lợi thế của Nghệ An?", đại biểu Phan Minh Lý đặt vấn đề.
Đại biểu Phan Thị Minh Lý đặt câu hỏi tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường
Đối với ý kiến của đại biểu Phan Thị Minh Lý, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, Nghệ An có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch lên đến hơn 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích rừng của tỉnh gần 1 triệu ha, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên. Vì vậy tiềm năng phát triển lâm nghiệp tỉnh ta rất lớn, trong đó có phát triển thị trường mua bán tín chỉ hấp thụ các-bon từ rừng.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã sớm ban hành kế hoạch hành động về giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển lâm nghiệp (REDD). Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển tỉnh đang tham mưu cho ngành Nông nghiệp tích cực góp ý hoàn thiện chính sách này để thực hiện. Ban đầu, Trung ương đã cấp 10,5 tỷ đồng để xây dựng dự án.
Tại phiên thảo luận hội trường, đại biểu HĐND tỉnh còn đề nghị tỉnh quan tâm có chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng bởi công việc bảo vệ rừng khó khăn, vất vả, chế độ thấp chưa đủ chi trả, đãi ngộ, cũng như thu hút nguồn nhân lực tham gia công tác bảo vệ rừng.
Lực lượng chuyên trách tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Nhật Lân
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, diện tích rừng của tỉnh gần 1 triệu ha, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên, cần được bảo vệ nghiêm vì theo quy định không được khai thác.
Về chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lâu nay đơn giá quản lý bảo vệ rừng theo quy định là đang thấp. Cụ thể cao nhất là 400.000 đồng/ha, thấp nhất là 100.000 đồng/ha.
Trong giai đoạn 2016-2020, do không có chính sách cho lực lượng này, UBND tỉnh đã xin cơ chế đặc thù cho Nghệ An và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho áp dụng mức kinh phí bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là 100.000 đồng/ha/năm. Tuy nhiên, kinh phí này vẫn không đáp ứng được nhu cầu và thường cấp chậm nên không đảm bảo được cuộc sống cho lực lượng này.
Để đảm bảo chế độ cho lực lượng này, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cho phép xây dựng Nghị quyết hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, mong HĐND tỉnh quan tâm xem xét.
THU HÚT DOANH NGHIỆP, NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Đại biểu Hà Thị Phương Thảo (đơn vị Nghĩa Đàn) đánh giá, nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có bước phát triển, diện mạo thay đổi, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy, UBND tỉnh và các ngành có giải pháp nào giải quyết các khó khăn trong "tam nông" và tình hình triển khai các đề án của tỉnh về mở rộng, phát triển cây ăn quả và đề án phát triển chăn nuôi.
Đại biểu Hà Thị Phương Thảo (đơn vị Nghĩa Đàn) nêu vấn đề tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường
Về chính sách phát triển tam nông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho rằng, nông nghiệp của tỉnh trong những năm vừa rồi phát triển tốt. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đạt 4,78%, nằm trong tốp đầu của cả nước. Bên cạnh đó, giá cả cơ bản được, chỉ có giá trâu thấp do ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc.
Phân tích sâu vào đề án mở rộng và phát triển cây ăn quả, ông Đệ cho biết, năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt 22.800 ha, chỉ tiêu đến năm 2025 là 30.000 ha, đến năm 2030 là 50.000 ha. Do quy hoạch đất của Chính phủ nên tỉnh gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, nhất là trên cây cam.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường
"Ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương, những diện tích nào bị sâu bệnh thì chuyển sang cây trồng khác trong vòng vài năm, sau đó mới trồng trở lại. Trong thời gian đó có thể tăng diện tích trồng dứa lên và đang thu hút nhà máy chế biến dứa vào địa bàn", ông Đệ nói.
Đối với đề án phát triển chăn nuôi, mục tiêu đàn lợn đến năm 2025 là 1,1 triệu con nhưng đến năm 2022 đã đạt chỉ tiêu. Đối với gia cầm đã đạt 33,2 triệu con, vượt chỉ tiêu đến năm 2025 là 32 triệu con. Đàn trâu, bò đã đạt 785.000 con, gần đạt chỉ tiêu đến năm 2025 là 790.000 con. Để giải quyết khó khăn đầu ra và giá cả trong chăn nuôi, tỉnh đã đề ra các giải pháp mở rộng thị trường, tăng chế biến, bảo quản, qua đó nâng cao giá trị chăn nuôi cho bà con nông dân.
Đối với ý kiến của đại biểu về Dự án hồ chứa nước Khe Thị 1 (xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết, dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Khe Thị được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vào năm 2013 với tổng mức đầu tư 48,302 tỷ đồng, gồm các hạng mục: mở rộng, nâng cao và gia cố đập đất; mở rộng tràn xả lũ; xây mới cống lấy nước dưới đập và kênh tưới.
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường
Đến năm 2016, nguồn vốn đã bố trí cho dự án là 11,400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dự án được phê duyệt trước khi có Luật Đầu tư công năm 2014 nên nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chưa thẩm định rõ dẫn đến dự án kéo dài. Ngoài ra, hiện nay các đơn giá theo hợp đồng tăng mạnh nên sẽ khó thực hiện hoàn thành các hạng mục đầu tư theo quyết định của UBND tỉnh.
"Đề nghị chủ đầu tư rà soát lại toàn bộ dự án, trình các cấp có thẩm quyền quyết toán phần đã hoàn thành. Sau khi quyết toán, lựa chọn các hạng mục cấp bách, xác định chi phí và nguồn vốn để lập dự án mới đầu tư theo quy định trong thời gian tới", ông Đệ cho biết.