Sáng 14/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng. Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí lãnh đạo Sở Tư pháp: Hoàng Quốc Hào - Giám đốc; Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc.
Xác định các hạn chế, bất cập
Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Hoài Thu
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh. Một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần được tổng kết, đánh giá toàn diện để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, hội nghị được tổ chức không chỉ đánh giá kết quả thực hiện mà còn xác định các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, thảo luận đề xuất những sửa đổi, bổ sung đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Qua thảo luận, đánh giá, hội nghị nhận định có 6 nguyên nhân tồn tại cần sửa đổi, bổ sung: số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Chất lượng hoạt động hành nghề công chứng còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Một bộ phận công chứng viên chưa tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, còn có hiện tượng công chứng viên cố ý làm trái, không đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội vẫn còn xảy ra. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng còn chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng.
Việc phân định công chứng - chứng thực chưa phản ánh đúng bản chất của hoạt động. Phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn quá hẹp, tiềm ẩn rủi ro lớn cho người dân khi giao kết các giao dịch không được công chứng. Công tác quản lý nhà nước về công chứng còn chưa thực sự sâu sát, triệt để; có lúc, có nơi còn lúng túng, lỏng lẻo.
Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có: 2.782 công chứng viên (gồm 383 công chứng viên của Phòng Công chứng và 2.399 công chứng viên của Văn phòng công chứng). So với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006 tăng 2.157 người. Có 1.151 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), trong đó có 120 phòng công chứng và 1.031 văn phòng công chứng (tăng 526 tổ chức).
Đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng xác định 4 nguyên nhân dẫn đến các hạn chế, đồng thời thảo luận đề xuất các phương hướng, giải pháp khắc phục để hoàn thiện hơn Luật Công chứng.
Cán bộ Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp Nghệ An hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục về nhập quốc tịch. Ảnh tư liệu: KL
Theo đó, cần tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền để chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Công chứng và các quy định có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình... tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, cơ sở áp dụng thống nhất trong hoạt động công chứng.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa công chứng; phát triển mạng lưới TCHNCC rộng khắp trên toàn quốc gắn với địa bàn dân cư.
Xây dựng các TCHNCC có tính chuyên nghiệp cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ công chứng. Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về công chứng cho phép liên thông, kết nối với một số CSDL quốc gia quan trọng có liên quan đến hoạt động công chứng, như: CSDL công dân, CSDL về hộ tịch, CSDL thông tin đất đai.
Hội nghị cũng thống nhất các đề nghị cụ thể đối với các cấp, ngành liên quan như: Đề nghị đưa dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 - 2024 với một số nội dung lớn cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Đề nghị sửa đổi các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc đổi mới và phát triển nghề công chứng; giữ nguyên quy định buộc công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) như quy định tại Luật Đất đai hiện hành.
Đề nghị quy định rõ hơn về thời điểm có hiệu lực của việc công chứng và đăng ký để tránh cách hiểu khác nhau trong tổ chức thực hiện, bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa rủi ro tranh chấp, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa về vai trò, vị trí, bản chất của hoạt động công chứng để các cá nhân và tổ chức hiểu rõ hơn tính chất quan trọng của hoạt động công chứng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó chỉ đạo Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu giúp UBND cấp tỉnh trong việc phát triển hoạt động công chứng phù hợp với tình hình phát triển chung của công chứng cả nước.
Trong 05 năm thi hành Luật Công chứng, các TCHNCC trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng.
Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến thời điểm ngày 31/12/2019, đa số các văn bản công chứng đều bảo đảm an toàn pháp lý. Số lượng vụ việc phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng khá thấp. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng khoảng hơn 12 tỷ đồng. Nhiều địa phương không có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.
Hoài Thu