Đây là kiến nghị của ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) tại Phiên thảo luận ở Hội trường về một số một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quy định cụ thể về phương thức giải quyết tranh chấp
Về phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh, đại biểu đến từ Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh được quy định tại Điều 54 của dự thảo luật.
Dẫn báo cáo số 155 của Bộ Công Thương tổng kết thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng về tiếp nhận và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng thì “Phương thức Trọng tài và Toà án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc lâu, chi phí cao trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng là thấp” (theo số liệu của Báo cáo nêu thì số vụ việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng do Trọng tài thương mại và Toà án giải quyết là không)… theo đại biểu Trần Nhật Minh, ngoài nguyên nhân trên, còn một nguyên nhân khác là do quy định của Điều 30 của luật hiện hành về phương thức giải quyết tranh chấp còn chung chung, chưa cụ thể.
Bên cạnh đó, luật mới chỉ mới nêu các phương thức giải quyết tranh chấp mà chưa quy định rõ về cơ chế giải quyết của các bên khi tranh chấp xảy ra là các bên chỉ được lựa chọn 1 trong 4 phương thức giải quyết hay được lựa chọn cả 4 phương thức (Khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định “Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: Thương lượng; hòa giải; trọng tài; tòa án”.
“Theo quy định này, hiểu theo hướng là các bên tranh chấp được lựa chọn cả 4 phương thức thì trái với quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010 (Điều 6 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”), tức là các bên chỉ được lựa chọn một trong 2 cơ quan Trọng tài hoặc Toà án để giải quyết khi xảy ra tranh chấp”, đại biểu Trần Nhật Minh nêu rõ.
Trên cơ sở phân tích về những bất cập của luật hiện hành, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi khoản 1 Điều 54 theo hướng cụ thể, dễ hiểu và dễ áp dụng hơn: “Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tự giải quyết thông qua các phương thức: thương lượng và hoà giải. Trong trường hợp không tự giải quyết được bằng phương thức thương lượng và hoà giải; hoặc không muốn tự chọn giải quyết bằng thương lượng và hoà giải thì lựa chọn một trong 2 phương thức giải quyết: Trọng tài hoặc Toà án”.
Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng: Tại Điều 17, Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng: Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”… “Do đó, để tương thích với Luật Trọng tài thương mại, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong dự thảo luật”, đại biểu nhấn mạnh.
Quy định kết quả thương lượng phải được lập thành văn bản
Liên quan việc thực hiện kết quả thương lượng và kết quả hoà giải, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) còn thiếu quy định về giải quyết hậu quả pháp lý khi một trong các bên không thực hiện kết quả thương lượng và kết quả hoà giải thành.
Để khắc phục tình trạng “kết quả thương lượng, hoà giải thành nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực thi do giá trị pháp lý của biên bản hoà giải thành là không cao” như Báo cáo số 155 của Bộ Công thương tổng kết thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã nêu, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: Trong thời hạn 60 ngày, nếu một bên không thực hiện kết quả thương lượng và hoà giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Trọng tài hoặc Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, khoản 1 Điều 60 quy định “Kết quả thương lượng của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng được lập thành văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương”, theo đại biểu Trần Nhật Minh, dự thảo Luật quy định “hình thức có giá trị tương đương” là chung chung, khó hiểu, khó thực hiện.
Trong khi đó, theo quy định của Điều 119 Bộ luật Dân sự, về hình thức giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Đồng thời, theo quy định tại Điều 116 của Bộ luật này thì kết quả thương lượng là một loại giao dịch dân sự… Thực tế đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị dự thảo luật dẫn chiếu các hình thức có giá trị như văn bản theo Điều 119 Bộ luật Dân sự cho phù hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm giá trị pháp lý của kết quả thương lượng, cần quy định kết quả thương lượng phải được lập thành văn bản.
Diệp Anh