Cần giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng, an ninh

Đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng việc quy định quản lý đất quốc phòng, an ninh như điều 201 Dự thảo “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện việc quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng, an ninh thuộc địa bàn quản lý hành chính của địa phương” là chưa hợp lý, không phù hợp với các quy định khác của dự thảo Luật đất đai và dự thảo Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự cũng như thực tế nên sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo đại biểu, đất quốc phòng, an ninh là đất đã được Thủ trướng Chính phủ có quyết định phê duyệt và địa phương đã giao cho các đơn vị của quân đội, công an quản lý, sử dụng phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trong số các nội dung quản lý nhà nước về đất đai như dự thảo thì đối với đất quốc phòng, an ninh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện một số nội dung, còn lại chủ yếu do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện.

Hiện nay, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng, an ninh chưa rõ ràng, có quy định thiếu tính khả thi là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại khoản 1 Điều 201 thành “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng và an ninh; chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước đối với đất quốc phòng, an ninh trên địa bàn quản lý hành chính của địa phương và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo phân công, phân cấp của Thủ trướng Chính phủ”. Việc giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì quản lý cũng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 23, khoản 2 Điều 148 Luật đất đai năm 2013 “Bộ, cơ quan ngang bộ trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình giúp Chính phủ quản lý nhà nước về đất đai”.

Cũng liên quan đến đất quốc phòng, quân sự, đại biểu cho rằng quy định tại khoản 4 điều 201 “Trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; không phải thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự theo quy định của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự” là chưa phù hợp với dự thảo Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự vừa được Quốc hội thảo luận, đang tiếp thu chỉnh lý.

Tại điểm c, khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật có quy định công trình quốc phòng và khu quân sự còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng nằm trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Trường hợp này dự thảo Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác bao gồm cả chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng. Do đó, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị sửa lại khoản 4 điều 201 cho phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Trần Đức Thuận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Ngoài ra, đại biểu đề nghị tiếp tục ra soát các quy định tại tại Điều 122 về chuyển mục đích sử dụng đất; Điều 125 về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; Điều 11 về đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn là những vấn đề có liên quan đến Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để đảm bảo tương thích, thống nhất các quy định pháp luật do Quốc hội ban hành.

Doanh nghiệp quân đội, công an được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất

Về quyền của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đại biểu Trần Đức Thuận nhất trí với phương án cho phép doanh nghiệp được quyền cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất, bởi tài sản gắn liền với đất là một phần vốn của doanh nghiệp, việc cho thuê, thế chấp, góp vốn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc huy động nguồn vốn vào sản suất kinh doanh, khai thác các tài sản hiện có của doanh nghiệp để không bị lãng phí.

Quy định này không trái với Luật doanh nghiệp, Luật quản lý sử dụng tài sản công và cũng phù hợp với các quy định khác của Luật đất đai. Quy định này cũng phù hợp với chức năng của Quân đội là “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất” được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chính vì vậy, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị Quốc hộ ủng hộ phương án này.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp quân đội thu hút lao động là người dân tộc thiểu số tại các địa bàn chiến lược, xã biên giới

Là một đại biểu có thời gian dài công tác trong ngành Quân đội, vừa là đại biểu đại diện cho cử tri vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Trần Đức Thuận hiểu rõ khó khăn của  doanh nghiệp quân đội sản xuất nông, lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn chiến lược, các xã biên giới trong việc thu hút lao động là đồng bào dân tộc thiểu số do không bố trí được nơi lưu trú cho người lao động và gia đình họ. Đặc điểm của đồng bào tại các khu vực này là cả gia đình (bố mẹ, vợ/chồng, con cái) cùng tham gia lao động sản xuất và sinh sống tại khu vực sản xuất. Nếu không đảm bảo được nơi lưu trú cho cả gia đình người lao động thì việc thu hút lao động là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ rất khó khăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương mà còn ảnh hưởng lớn đến mục tiêu quốc phòng, an ninh tại các địa bàn biên giới.

Chính vì vậy, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định tại khoản 8 Điều 16 về trường hợp nhà nước bố trí quỹ đất và hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức kinh tế trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp khi xây dựng nhà lưu trú cho công nhân là đồng bào dân tộc tại các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, đại biểu Trần Đức Thuận cũng có ý kiến góp ý liên quan đến quy định về hoạt động lấn biển tại điều 191. Theo đại biểu, việc quy định theo phương án 1 “Nhà đầu tư có dự án đầu tư có hoạt động lấn biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì được giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển cùng với giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư” là phù hợp hơn, để tháo gỡ vướng mắc về giao đất, giao khu vực biển gắn với dự án đầu tư có hoạt động lấn biển.

Đối với dự án đầu tư có hoạt động lấn biển và các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, do hoạt động lấn biển không chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai mà còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan, cần có quy định mang tính đồng bộ, nên phương án này chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai và giao Chính phủ quy định chi tiết như dự thảo là phù hợp.