Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An phát biểu thảo luận

Tháo gỡ vấn đề giải ngân vốn chậm

Chỉ ra một trong những nguyên nhân cơ bản của việc giải ngân vốn của chương trình chậm, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng xuất phát từ cơ chế vận hành, thể hiện ở chỗ các văn bản chỉ đạo điều hành nhiều nhưng chậm ban hành. Khi ban hành thì lại vướng mắc với các quy định hiện hành và có một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Mặc dù Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan đã rất trách nhiệm trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế vận hành nhưng việc ban hành văn bản chỉ đạo điều hành mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi tính hệ thống. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề chậm giải ngân vốn chương trình, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề nghị Trung ương ban hành những văn bản chỉ đạo có tính quan điểm, nguyên tắc và giao quyền cho HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc ban hành văn bản triển khai thực hiện để phù hợp với thực tiễn địa phương, đồng thời Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với địa phương.

Thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, người dân đối với phát triển nông, lâm nghiệp bền vững

Liên quan đến Dự án 3 Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đại biểu Đoàn Nghệ An nhấn mạnh đây là dự án duy nhất liên quan đến hỗ trợ cho chính người dân phát triển kinh tế, phát huy nội lực, tạo sự phát triển bền vững; thực sự khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, như mục tiêu tổng quát đã xác định khi thiết kế Chương trình. “Có thể nói khó khăn và mong mỏi lớn của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là việc làm và thu nhập ổn định ngay trên mảnh đất của họ. Đã có rất nhiều ý kiến của cử tri mong muốn trên địa bàn của họ có nhà máy để họ không phải đi xa tìm kiếm việc làm, nhưng sẽ khó có doanh nghiệp nào bất chấp những rủi ro về địa hình, địa lý, khí hậu… để đáp ứng mong muốn của người dân nơi đây” đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền trăn trở.

Chính vì vậy, vị đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các quy định như mức khoán bảo vệ và trồng rừng tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, cần nâng mức hỗ trợ để thu hút sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học thực hiện Dự án.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội ngày 30/10

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp thực hiện Chương trình

Đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát, Báo cáo của Chính phủ và phần trả lời chất vấn của Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tại kỳ họp thứ 5 về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn, nhất là quá trình triển khai trên thực địa đến tận thôn, bản, tận hộ gia đình, gây áp lực đối với đội ngũ cán bộ. Theo đại biểu, chương trình có thể hoàn thành kế hoạch năm 2025, tuy nhiên đại biểu băn khoăn về những bất cập trong thực tiễn có thể nảy sinh khi nguồn vốn thực hiện lớn, hoạt động nhiều, thời gian gấp, nhân lực mỏng, kết thúc giai đoạn 1 đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Vì thế, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề nghị Chính phủ đánh giá thật sự thẳng thắn, đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp thực hiện Chương trình.

Cần thiết thiết lập hệ thống đánh giá, giám sát Chương trình thực sự khách quan, khoa học

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở khi Báo cáo của Đoàn giám sát nhấn mạnh việc chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia làm cho đoàn giám sát cũng như các cơ quan chịu sự giám sát thiếu thông tin chính xác, đủ tin cậy để xây dựng các báo cáo phục vụ cho chuyên đề giám sát, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Đoàn giám sát cho rằng Ủy ban dân tộc chủ yếu dựa trên báo cáo của các địa phương và không đưa ra được cơ sở dự báo thực sự khách quan, khoa học, sát thực tế.

Theo đại biểu, công cụ điều tra, khảo sát, giám sát, cơ sở dữ liệu là nguyên liệu đầu vào quan trọng khi thiết kế nội dung, đánh giá chương trình, là yếu tố quyết định đầu tiên để đưa ra những giải pháp khả thi tiếp theo. Vì vậy, đại biểu đồng tình với đề xuất của Đoàn giám sát đối với Chính phủ về việc cần thiết thiết lập hệ thống đánh giá, giám sát Chương trình thực sự khách quan, khoa học, để có cơ sở dữ liệu đúng, sát thực tế.