Chiều 9/11, trong chương trình kỳ họp thứ 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

toan_canh_phien_hop_26145176_9112021.jpgToàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

ĐÁNH GIÁ XÁC ĐÁNG, ĐÚNG TẦM VAI TRÒ THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG

Trước diễn đàn Quốc hội, đại biểu Đặng Xuân Phương cơ bản tán thành với những nhận định của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong năm 2021 cùng việc ghi nhận những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng chủ lực tham gia phòng chống đại dịch Covid-19 để có thể đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới và phục hồi kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Xuân Phương cũng đồng tình với ý kiến trước đó của đại biểu đoàn Đắk Nông là trong Báo cáo của Chính phủ, cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông, một lĩnh vực đã trở thành nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, là liều thuốc tinh thần bảo đảm sức chống chịu lâu dài của Nhân dân để đi qua đại dịch.

Theo đó, nhằm khẳng định thêm tầm quan trọng và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, truyền thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông theo đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như cho phục hồi kinh tế.

bna_z2918943269019_4e4aa5f3368bb8d76715626f4f9cc8674688714_9112021--n1.jpgĐại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận chiều 9/11. Ảnh: Quang Khánh

Vị đại biểu đoàn Nghệ An phân tích: Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước được truyền tải nhanh nhất, trực diện nhất đến mọi người dân thông qua các thông điệp ngắn, gọn, rõ do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đưa ra, dẫn dắt hành động của người dân nên tất cả các cấp, các ngành đều phải nắm được đầy đủ, chính xác để giải thích được với mọi người.

"Các thông điệp đó cần phải được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp, mà không nên xuất hiện một cách ngẫu hứng hay đến từ những ý tưởng, đề xuất mang tính phong trào. Cũng cần có sự quan tâm xây dựng hình ảnh cho lãnh đạo khi tham gia chỉ đạo chống dịch một cách thích hợp", đại biểu Đặng Xuân Phương phát biểu.

ĐẦU TƯ CHO CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA, TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG

Ở khía cạnh khác, đại biểu Đặng Xuân Phương nhận định: Các sản phẩm thông tin giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi gia đình, mọi người dân trong xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm thông tin này rất đa dạng, được phát tràn lan trên các nền tảng số xuyên quốc gia, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu sản xuất các chương trình giải trí và phim trên các kênh truyền hình trong nước.

Để khắc phục, nhiều đài, kênh truyền hình trong nước đã chọn cách phát các bộ phim, chương trình giải trí nước ngoài hoặc có nguồn gốc kịch bản của nước ngoài hợp với thị hiếu để thu hút được tỷ suất người xem cao vào các khung giờ vàng, giúp tăng doanh thu từ quảng cáo.

“Trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, chúng ta càng phải quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Trong đó, tôi cho rằng, cần quan tâm đầu tư cho công nghiệp văn hóa và truyền thông đại chúng, với định hướng chiến lược rõ ràng, giúp nâng cao chất lượng phim và các sản phẩm giải trí phổ biến trên các kênh truyền hình trong nước và hướng tới xuất khẩu”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng cho rằng, cần có sự phối hợp chính sách thông qua việc quan tâm hơn đến ngành sử học và văn học lịch sử để làm cơ sở cho việc thúc đẩy sáng tạo ra các tác phẩm điện ảnh, truyền hình về các đề tài lịch sử có chất lượng cao, góp phần bồi đắp kiến thức cho giới trẻ về lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Cần sớm có chỉ đạo để những trung tâm lớn về khoa học xã hội của nước ta tăng cường phối hợp với các hội trong lĩnh vực khoa học khoa xã hội, văn học nghệ thuật, cùng các quỹ nghiên cứu đẩy mạnh đặt hàng, hỗ trợ, tài trợ thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, sáng tác về các chủ đề văn hóa nghệ thuật lịch sử, góp phần tạo lập cơ sở khoa học, văn học cho việc sản xuất các chương trình.

quochoi5987624_9112021.jpgĐợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức tập trung tại Nhà Quốc hội trong thời gian từ ngày 8 - 13/11/2021. Ảnh: Quochoi.vn

Thời gian qua, giới trẻ Việt Nam đã có rất nhiều thành quả sáng tạo quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, trang phục cổ, sáng tác âm nhạc mang âm hưởng truyền thống, xuất bản truyện tranh, sản xuất các bộ phim truyện và video clip về các chủ đề lịch sử, dã sử, văn học dân gian...

“Trào lưu này trong giới trẻ đã và đang thu hút được đông đảo công chúng quan tâm, nên rất cần được Đảng, Nhà nước khuyến khích, có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển thích đáng”, đại biểu Đặng Xuân Phương trăn trở.

Cho biết, hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã có kiến nghị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng sớm ban hành Nghị quyết nhằm định hướng đổi mới toàn diện, chấn hưng văn hóa nước nhà, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, trong nội dung nghị quyết, các dịch vụ phát thanh, truyền hình và xuất bản cần được coi là phương tiện chủ lực để tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, lịch sử dân tộc./.

(Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh Nghệ An)