Đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Triển khai kỳ họp “không giấy”, HĐND huyện Thanh Chương là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong tỉnh triển khai và đi trước cả tỉnh, được tổ chức tại kỳ họp thứ 4, khóa XIX diễn ra cuối tháng 12/2021.

99d8bc9b8bf34aad13e2.jpg
Thường trực HĐND huyện Thanh Chương trực tiếp tìm hiểu nhu cầu sản xuất của người dân

Theo đó, tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND huyện Thanh Chương không được phát tài liệu gồm các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết bằng bản giấy như các kỳ họp trước, thay vào đó, các đại biểu dùng điện thoại thông minh để quét mã QR hoặc sử dụng máy tính truy cập Cổng thông tin điện tử của huyện để khai thác và nghiên cứu tài liệu của kỳ họp. Trong quá trình diễn ra kỳ họp, các thông tin, góp ý, chỉnh sửa báo cáo, dự thảo nghị quyết đều được cập nhật, bổ sung kịp thời, nhanh chóng để các đại biểu nghiên cứu mà không cần phải chờ in sao mất nhiều thời gian. Đại biểu Phan Bá Ngọc (xã Thanh Liên) chia sẻ: Việc chuyển tải toàn bộ tài liệu kỳ họp lên hệ thống điện tử để sử dụng qua điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet giúp các đại biểu dễ theo dõi tài liệu và quá trình nghiên cứu có thể ngay lập tức tra cứu những thông tin, chẳng hạn các quy định của pháp luật liên quan đến căn cứ ban hành nghị quyết để nắm sâu, nắm chắc vấn đề. Tổ chức kỳ họp “không giấy” cũng tạo không khí nghiêm túc, hiện đại, chuyên nghiệp hơn kỳ họp sử dụng tài liệu giấy.

Đề cập ở góc độ đại biểu chuyên trách, ông Trần Đình Tâm - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND huyện, cho rằng: Trước đây, việc chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp khá vất vả, từ việc in ấn chuyển xuống cho các tổ và từng đại biểu nghiên cứu trước, rồi việc tổng hợp góp ý trở lại cũng qua bản giấy. Nhưng kỳ họp thứ 4 vừa qua, cùng với tổ chức kỳ họp “không giấy”, giảm thời gian và giấy, mực in ấn tài liệu cho 40 đại biểu HĐND huyện (chưa kể đại biểu khách mời), việc chuyển báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết xin ý kiến đại biểu đều được gửi qua phần mềm VNPT Ioffice (đối với đại biểu là cán bộ chuyên trách cấp xã) và qua hệ thống thư điện tử gmail (đối với đại biểu hoạt động trong khối MTTQ, các đoàn thể, đại biểu nông dân, doanh nghiệp); qua hệ thống zalo nhóm đại biểu, zalo nhóm tổ đại biểu. Việc góp ý các báo cáo, dự thảo nghị quyết, ngoài ý kiến của từng đại biểu thì việc sinh hoạt và tổng hợp của các Tổ đại biểu gửi Thường trực HĐND huyện cũng thông qua các hệ thống nêu trên. Cách làm này vừa nhanh, tiết kiệm thời gian cho bộ phận văn phòng và đại biểu chuyên trách, vừa tiết kiệm văn phòng phẩm.

da136b055b6d9a33c37c.jpg
Quản lý đất nông nghiệp liền kề đất ở đang là vấn đề cần quan tâm

Theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương: Kỳ họp “không giấy” được coi là sự khởi đầu trong chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số của Thường trực HĐND huyện. Hiện tại HĐND huyện Thanh Chương cũng đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT IOffice tích hợp chữ ký số, tạo thuận lợi cho công tác triển khai các văn bản, quản lý, điều hành được nhanh chóng, thuận lợi, tránh chậm hoặc bỏ sót văn bản cho cả người trình ký và người ký vì việc ký số diễn ra trên máy tính có kết nối Internet. Đến nay, các văn bản của HĐND, Thường trực HĐND huyện, các Ban của HĐND huyện đến hệ thống văn bản, báo cáo của HĐND các xã, thị trấn đều được tham mưu, ban hành trên hệ thống số.

Phó Chủ tịch HĐND huyện cũng cho biết: Định hướng của Thường trực HĐND huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT với việc xây dựng, sử dụng phần mềm tổng hợp, theo dõi việc giải quyết ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và đơn thư của công dân gửi đến HĐND huyện; theo dõi việc giải quyết kiến nghị của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND huyện thông qua các hoạt động, nhất là hoạt động giám sát… Để làm được vấn đề này, khó nhất hiện nay là đang thiếu một cơ chế từ cấp trên trong việc hỗ trợ trang bị máy tính cho đại biểu cấp huyện. Nếu tháo gỡ được vấn đề này thì hiệu quả hoạt động của HĐND cấp huyện sẽ vô cùng lớn.

Đổi mới cơ chế phối hợp

HĐND huyện Thanh Chương khóa XX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 có 40 đại biểu; trong đó chỉ có 3 đại biểu chuyên trách, gồm 01 Phó Chủ tịch HĐND huyện và 02 Phó Trưởng ban HĐND huyện. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động, Thường trực HĐND huyện chủ trương đổi mới, tăng cường chế độ phối hợp hoạt động giữa HĐND với cấp uỷ và UBND huyện. Hàng tháng, trên cơ sở chương trình, nội dung công tác trong tháng được xác định, nội dung nào quan trọng, Thường trực HĐND huyện đều đăng ký, đưa vào lịch của cấp uỷ. Quy chế phối hợp giữa HĐND huyện và UBND huyện được rà soát, bổ sung và thực hiện nghiêm túc hơn với quan điểm tăng cường hỗ trợ để cùng hoàn thành tốt công việc của mỗi bên. Theo đó, ở mỗi kỳ họp thường kỳ của UBND huyện, Thường trực HĐND huyện đều được mời tham gia, nêu những vấn đề cử tri, dư luận đang quan tâm hoặc bức xúc; đề nghị UBND tăng cường chỉ đạo, quản lý. Ngược lại, cuộc họp của Thường trực HĐND huyện hàng tháng hay hàng quý đều mời lãnh đạo UBND huyện và MTTQ huyện tham gia để nghe ý kiến phản ánh của cử tri cũng như việc thực hiện kiến nghị cử tri hoặc bàn một nội dung nào đó liên quan đến vai trò quyết định, nội dung giám sát của HĐND huyện liên quan đến UBND huyện.

Trong hoạt động giám sát, để tạo hiệu quả, Thường trực HĐND huyện cũng có sự phối hợp nhuần nhuyễn với UBND huyện. Trước khi chốt đề cương giám sát, trước đó, Thường trực HĐND huyện gửi xin ý kiến phòng chuyên môn UBND huyện để sát thực tế. Quá trình giám sát tiếp tục mời phòng chuyên môn UBND huyện tham gia cùng đoàn, qua đó họ vừa giúp cho đoàn những kiến thức chuyên sâu, vừa cũng tiếp thu những hạn chế, tồn tại mà thông qua giám sát được HĐND huyện chỉ ra để tăng cường giúp UBND huyện quản lý tốt hơn lĩnh vực được giám sát. Chính đổi mới này mà năm 2021, thông qua 2 cuộc giam sát chuyên đề về tình trạng lấn chiếm đất công, đất giao theo Nghị định 64 liền kề đất ở và việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã nhận định rõ được nhiều hạn chế, tồn tại và tiến hành hạ loại công chức đối với một số công chức địa chính xã. Hay thông qua giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, Thường trực HĐND và UBND huyện đã thống nhất phân bổ nguồn vượt thu năm 2021 để đầu tư xây dựng 5 công trình bức thiết đã được cử tri kiến nghị nhiều lần.

ef3b7e53403b8165d82a.jpg
Đầu tư công là một trong những nội dung được HĐND huyện Thanh Chương quan tâm giám sát

Mối quan hệ phối hợp nhuần nhuyễn giữa Thường trực HĐND huyện và UBND huyện còn được thể hiện thông qua việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Ngoài đôn đốc giải quyết tại các cuộc họp hàng tháng của 2 bên, định kỳ hàng quý, Thường trực HĐND huyện đều tổ chức cuộc họp nghe UBND huyện và các cơ quan chuyên môn báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của của tri để tiếp tục đôn đốc, tìm giải pháp tháo gỡ. Những kiến nghị còn vướng mắc và mang diện rộng ở nhiều địa phương tiếp tục được Thường trực HĐND huyện đưa vào chương trình giám sát chuyên đề; tổ chức chất vấn tại kỳ họp, như liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đất công, đầu tư công…

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch HĐND huyện khẳng định: Các hoạt động của HĐND huyện thời gian qua đã góp phần giúp UBND huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời khắc phục, quản lý tốt hơn nhiều lĩnh vực mang tính bức xúc, tồn tại. UBND và các phòng chuyên môn cấp huyện mong muốn HĐND huyện vào cuộc tích cực, nhất là hoạt động giám sát để phát hiện, chỉ ra tồn tại, hạn chế cho UBND khắc phục kịp thời, chứ không phải để UBND thấy tham gia giám sát cùng HĐND giống như “gậy ông, đập lưng ông”.

Bài, ảnh: Minh Hà