Quan sát nghị trường trong hai ngày đầu của phiên chất vấn có thể thấy những vấn đề quan trọng của đất nước; những nội dung người dân và cộng đồng doanh nghiệp bức xúc, quan tâm thuộc phạm vi các nhóm vấn đề chất vấn đều đã được các đại biểu Quốc hội phản ánh cụ thể và đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành làm rõ trách nhiệm cũng như nguyên nhân và giải pháp.
Ngay lúc mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có 113 đại biểu đăng ký; phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương có 107 đại biểu đăng ký. Ở phiên chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước, cả 35 đại biểu đăng ký đều được chất vấn. Đầu giờ chiều qua, có 89 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hàng trăm đại biểu đăng ký và chất vấn; nhiều đại biểu bấm nút tranh luận; hơi thở cuộc sống thấm đẫm nghị trường - đây là những minh chứng sinh động nhất cho thấy tinh thần giám sát đến cùng và lợi ích của người dân, lợi ích của đất nước đã được đặt lên trên tất thảy. Các đại biểu Quốc hội đã nắm bắt trọn vẹn tâm tư, nguyện vọng của cử tri và làm trọn trách nhiệm, vai trò của người đại diện.
Phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành cơ bản rõ ràng, thẳng thắn cả về những việc đã làm được, chưa làm được và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cũng có phần trả lời chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa làm rõ trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, nhưng tất cả đều trên tinh thần xây dựng với đích đến cuối cùng là tìm ra những giải pháp vừa căn cơ, vừa kịp thời để tạo được chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.
Đóng góp vào thành công của phiên chất vấn là sự điều hành mạch lạc, khoa học và linh hoạt của Chủ tọa. Với những câu hỏi nằm ngoài nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời bằng văn bản - điều này giúp phiên chất vấn đi vào đúng trọng tâm, không bị dàn trải. Trong phiên chất vấn về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội “nhắc” Bộ trưởng dành thời gian để tập trung vào những giải pháp hết sức cấp thiết hiện nay.
Hoặc, khi Bộ trưởng Bộ Công Thương “để sót” câu chất vấn của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại đầy đủ, ngắn gọn để Bộ trưởng trả lời. Khi có nội dung chất vấn bị trùng lắp, Chủ tịch Quốc hội gợi ý Bộ trưởng có thể không cần trả lời vì đã giải trình cụ thể trước đó. Trong bài phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đại biểu tránh chất vấn những vấn đề đã được các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, “nếu thấy thật cần thiết mới trao đổi lại”. Khung thời gian đặt câu hỏi, tranh luận và trả lời theo nội quy của Kỳ họp luôn được bảo đảm… Chính những yếu tố này khiến phiên chất vấn vừa chuyên nghiệp, vừa sôi động.
Đặc biệt, sau từng nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đều có bài phát biểu kết luận ngắn gọn, cô đọng và tập trung nêu các nhóm giải pháp trọng tâm. Những giải pháp này nếu các bộ, ngành triển khai kịp thời và hiệu quả thì chắc chắn sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực tế - đây chính là điều cử tri và đại biểu Quốc hội mong đợi nhất.
Chất vấn là một trong những hoạt động của Quốc hội được người dân quan tâm nhất và gửi gắm nhiều kỳ vọng. Với thành công của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội không chỉ đáp ứng lòng mong đợi của cử tri mà còn ngày càng khẳng định sự năng động và chuyên nghiệp của mình với mục tiêu duy nhất là vì dân, vì nước.