" Suy nghĩ đi trước, hành động theo sau"

Những ngày cuối năm, nhiều hộ dân thuộc Hợp tác xã rau sạch bản Na Tổng, xã Tam Thái vừa tất bật thu hoạch rau củ đã đến kỳ mang xuống chợ bán hoặc nhập cho thương lái, vừa miệt mài chăm sóc những khu vực rau phục vụ Tết.

kl2-1-.jpg
Nhiều loại rau đa dạng được HTX rau sạch bản Na Tổng trồng theo mùa. Ảnh: Khánh Ly

Chị Cao Thị Thân (SN 1980)- là một trong những hộ đầu tiên tham gia HTX và đã gắn bó với nghề trồng rau sạch từ năm 2015. Với 900m2, ngoài các loại rau củ, quả bản địa, chị Thân đã học hỏi trồng các loại rau phù hợp điều kiện thổ nhưỡng cũng như nhu cầu của khách hàng như ớt cay các loại… đem lại mức thu nhập bình quân 25-30 triệu đồng/năm. Sản phẩm rau, củ, quả được bán ở các chợ trên địa bàn huyện và gửi xe nhập về thành phố Vinh.

kl5.jpg
Chị Cao Thị Thân là một trong những hộ đầu tiên tham gia HTX và có thu nhập ổn định từ trồng rau sạch. Ảnh: Khánh Ly

Ông Lô Văn Nhiên- Chủ nhiệm HTX Rau sạch Na Tổng cho biết: Hiện có 14 hộ tham gia mô hình HTX với diện tích 2,5 ha, trước đây khu vực này được người dân khai hoang làm ruộng với quy mô nhỏ lẻ nhưng năng suất hạn chế.

Từ năm 2015, sau khi được chính quyền địa phương hướng dẫn, cho tập huấn khoa học kỹ thuật, nơi đây được quy hoạch sang trồng rau sạch tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

kl3.jpg
Rau sạch bản Na Tổng chăm sóc theo phương thức "4 không" (Không thuốc diệt cỏ; Không sử dụng thuốc trừ sâu; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng) nên an toàn cho người sử dụng. Ảnh: Khánh Ly
kl4.jpg
Thành viên HTX Rau sạch Na Tổng thu hoạch rau củ. Ảnh: Khánh Ly

HTX trồng đa dạng các loại rau, củ, quả mùa nào thức ấy (cải, đậu, dưa chuột, hành, mùi, xu hào, bắp cải, các loại rau cải bản địa...) và được bà con chăm sóc theo phương thức "4 không" (Không thuốc diệt cỏ; Không sử dụng thuốc trừ sâu; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng) nên an toàn cho người sử dụng.

img_4558-1-.jpg
Người dân bản Na Tổng, xã Tam Thái đầu tư hệ thống tưới tự động để làm rau sạch. Ảnh: Quỳnh An

Theo đó, để bón phân cho rau, hạn chế tối đa việc dùng hóa chất, mỗi hộ trồng rau đều ủ sẵn một hố phân chuồng. Phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên như rơm, lá bớp bớp, phân gia súc… Thời gian ủ từ 30 ngày đảm bảo các nguyên liệu phân hủy thành các chất mùn dinh dưỡng.

img_3877.jpg
Rau sạch của người dân bản Na Tổng, xã Tam Thái luôn tươi ngon. Ảnh: Khánh Ly

Bà Vang Thị Hạnh, bản Na Tổng, năm nay đã 70 tuổi cho biết: Trồng rau sạch tuy vất vả hơn nhưng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Gia đình bà tuy chỉ có 4 luống rau nhỏ nhưng vẫn cho thu nhập ổn định. Cao điểm như vụ Tết năm ngoái cho thu nhập từ bắp cải, cà rốt, su hào… khoảng 10 triệu đồng.

img_4466.jpg
Rau sạch của người dân bản Na Tổng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Khánh Ly

Tam Thái là xã miền núi cách trung tâm huyện Tương Dương khoảng 9,5 km theo đường Quốc lộ 7A về hướng Đông Nam. Toàn xã có 9 bản với 5.025 nhân khẩu, 1.245 hộ (98% là đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Khơ Mú, Tày Pọng) sinh sống.

Tuy là xã đã về đích NTM nhưng đời sống của nhiều hộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập thấp; một số cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa có ý thức tự vươn lên, vẫn còn nặng về tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bởi vậy, theo Chủ tịch UBND xã Tam Thái Lô Thanh Tuấn: Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm, 4 bước đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, nông nghiệp được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế và giữ vững, phát triển nông thôn mới của địa phương.

img_4666.jpg
Chính quyền xã Tam Thái tích cực ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực công tác. Ảnh: Quỳnh An

Từ nhận thức “suy nghĩ đi trước, hành động theo sau”, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới về tư duy, dẫn tới hành động tự giác trong phát triển chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế hộ.

Trong đó, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tiên phong đi trước để làng nước theo sau. Nhiều mô hình kinh tế đã được triển khai tại các thôn, bản cho hiệu quả cao.

kl11.jpg
Đường vào bản Đoọc Búa, xã Tam Thái. Ảnh: Khánh Ly

Điển hình như mô hình ổi lê Đài Loan theo hướng hữu cơ tại bản Đoọc Búa- địa bàn vốn khó khăn bậc nhất của xã với vị trí khá biệt lập, thông thương không mấy thuận lợi, do chỉ có một cây cầu nhỏ chỉ đủ cho xe máy lưu thông một chiều, ô tô chưa bao giờ vào được tới bản.

kl12-1-.jpg
Mô hình trồng ổi lê cho hiệu quả cao ở bản Đọoc Búa, xã Tam Thái. Ảnh: Khánh Ly

Sau khi tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng, từ năm 2018, chính quyền địa phương đã định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn KHKT, tặng cây giống, khuyến khích bà con chuyển những diện tích trồng rau lẻ tẻ hiệu quả thấp sang trồng ổi lê Đài Loan.

Xã còn khâu nối với các cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp đến “cầm tay chỉ việc” giúp bà con bản Đoọc Búa nắm vững KHKT để ứng dụng vào sản xuất.

fotojet(1).jpg
Nhờ được tập huấn, người dân bản Đoọc Búa đã nắm vững quy trình kỹ thuật áp dụng vào trồng ổi. Ảnh: Quỳnh An

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng thử và mang lại hiệu quả cao. Ví như gia đình ông Lô Văn Hoàn - Bí thư Chi bộ Đoọc Búa tiên phong trồng 100 gốc ổi; gia đình trưởng bản Lô Văn Vân trồng 60 gốc cho thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/vụ.

Hiện toàn bản Đoọc Búa có 31 hộ hầu như hộ nào cũng trồng ổi lê với tổng quy mô hơn 2ha, hộ trồng nhiều nhất là là gia đình ông Lô Quang Tiến với 150 gốc. Tổng thu nhập từ ổi của cả bản 1 năm khoảng 100 triệu đồng.

img_4649(1).jpg
Ổi lê trồng ở bản Đoọc Búa thơm ngon giòn, đều quả. Ảnh: Quỳnh An

Trưởng bản Đoọc Búa Lô Văn Vân cho biết: Giống ổi được bán ra với giá thành từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Các gia đình cán bộ trong bản đều tiên phong trồng ổi. “Từ khi phát triển mô hình trồng ổi lê, đời sống dân bản Đoọc Búa có nhiều khởi sắc, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm, trong bản chỉ còn 6 hộ nghèo thuộc diện bất khả kháng”- ông Lô Văn Vân cho hay.

img_4622.jpg
Ông Lô Văn Vân- Trưởng bản Đoọc Búa xã Tam Thái (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người dân về kinh nghiệm trồng ổi lê. Ảnh: Quỳnh An

Thực hiện Đề án 07- ĐA/HU ngày 08/3/2022 của Huyện ủy Tương Dương về xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tại nhiều thôn, bản khác trên địa bàn xã Tam Thái, người dân cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp; phát triển chăn nuôi, chuyển đổi đất trống, đồi núi trọc, cải tạo đất không sản xuất nhiều năm, phủ xanh diện tích bằng cây ăn quả, sắn cao sản, ngô, xoài bản địa Tương Dương, cỏ voi.

hoi-phu-nu-ban-can-xa-tam-thai-trong-san-cao-san.-anh-may-huyen.jpg
Hội phụ nữ bản can, xã Tam Thái trồng sắn cao sản. Ảnh: May Huyền

Một số thôn, bản như bản Cây Me vận động nhân dân đóng góp kinh phí thuê máy múc làm đường vào Khe Tọc dài 2,8 km với kinh phí 28.000.000 đồng; Bản Na Tổng phát huy sức dân để thuê máy múc làm đường vào vườn mét tập thể, chiều dài gần 2 km kinh phí gần 10.000.000 đồng... tạo thuận lợi cho đi lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

nguoi-dan-tam-thai-phat-trien-nuoi-bo-vo-beo.-anh-(1).jpg
Người dân xã Tam Thái phát triển nuôi bò vỗ béo. Ảnh: May Huyền

Nhờ vậy, đến nay toàn xã Tam Thái có 40ha diện tích trồng cây ăn quả, diện tích trồng sắn cao sản tăng lên 110 ha, diện tích thâm canh ruộng nước tăng lên 91,6 ha… Đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 còn 12,1 %; hộ cận nghèo còn 25%.

Nỗ lực xóa nhà bán kiên cố

Bên cạnh phát triển kinh tế hướng tới giảm nghèo bền vững, cấp uỷ chính quyền xã Tam Thái đặc biệt quan tâm đến công tác vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở. Theo đó, Ban chỉ đạo cấp xã đã chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức xã hội phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực Nhà nước để chung tay xoá nhà bán kiên cố chưa đáp ứng 3 “cứng” (nền móng cứng; khung tường cứng; mái cứng) cho hộ khó khăn về nhà ở.

kl9.jpg
Một ngôi nhà đại đoàn kết ở bản Na Tổng, xã Tam Thái. Ảnh: KL

Qua rà soát, giai đoạn 2023-2024, tại 9 thôn, bản, toàn xã Tam Thái có 97 hộ có nhu cầu xây mới và sửa chữa về nhà ở được phê duyệt, trong đó có 64 hộ xây mới, 33 hộ diện sửa chữa.

Để hoàn thành mục tiêu chung này, Ban chỉ đạo chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, người khó khăn trên địa bàn xã Tam Thái đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, rõ người, rõ việc gắn với trách nhiệm cá nhân.

Phân công cán bộ cắm bản để trực tiếp phụ trách, rà soát nắm tình hình các gia đình trong diện được xây mới hoặc sửa chữa nhà ở để hỗ trợ các hộ từ khâu hoàn thiện hồ sơ đến việc triển khai xây dựng, hoàn thiện công trình.

Đối với các hộ gia đình neo người, ít nhân lực, tiềm lực, Đảng uỷ, chính quyền xã chỉ đạo các đoàn thể, các tổ chức xã hội phối hợp với ban quản lý các bản tuyên truyền, vận động nhân dân hỗ trợ thông qua các hình thức như ngày công xây dựng, tháo dỡ, di dời, hỗ trợ nguyên vật liệu… Hộ trong diện làm mới, sửa chữa nhà là thành viên của tổ chức Hội nào thì hội đó chịu trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB…).

nha-ba-vu-thi-thanh-82-tuoi.jpg
Nhà bà Vi Thị Thành, 82 tuổi ở bản Na Tổng, xã Tam Thái đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Quỳnh An

Nhờ vậy, trong 2 năm 2023-2024, toàn xã đã có 77 hộ đã thực hiện làm mới, sửa chữa nhà ở và 22 hộ đang làm mới, sửa chữa nhà ở thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các nguồn vận động tài trợ từ tổ chức, cá nhân.

Theo lãnh đạo xã Tam Thái: Hiện trên địa bàn còn 22 nhà bán kiên cố trong diện sửa chữa chưa triển khai, do trong gia đình có người mất và đi làm ăn xa, địa phương sẽ cố gắng hoàn thành trong nửa đầu năm 2024. Đây chủ yếu là những nhà thiếu một trong các tiêu chí 3 cứng thuộc Chương trình 134, 147 trước đây và một số trường hợp phát sinh do tách hộ.

nha-ba-vu-thi-thanh-82-tuoi.jpg
Nhà bà Vi Thị Thành 82 tuổi ở bản Na Tổng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Quỳnh An

Theo chân Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tam Thái Vang Thị Trang, chúng tôi ghé thăm căn nhà mới khang trang của bà Vi Thị Thành ở bản Na Tổng.

Dù đã vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ bà người dân tộc Thái vẫn có lối trò chuyện rất dí dỏm, gương mặt phúc hậu không giấu nối niềm vui khi “Xuân này sẽ được đón Tết ấm ở nhà mới kiên cố”.

ba-vu-thi-thanh-o-ban-na-tong.jpg
Bà Vi Thị thành ở bản Na Tổng, xã Tam Thái chia sẻ về niềm vui nhà mới. Ảnh: Quỳnh An

Được biết, ngôi nhà của bà Thành được xây dựng với tổng kinh phí 120 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tương Dương hỗ trợ, còn lại con cháu, anh em họ hàng hỗ trợ thêm, bao gồm cả ngày công xây dựng.

Cách nhà bà Thành không xa, gia đình anh Vi Văn Chiến (SN 1970) đang hoàn thiện các khâu sửa chữa, lợp ngói, xây lại tường bao cho ngôi nhà mới để đón Xuân.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thành cho biết: Không chỉ được hỗ trợ về mặt kinh phí, gia đình anh còn được người dân, cán bộ thôn, bản hỗ trợ ngày công xây dựng; đích thân đồng chí Phó Chủ tịch HĐND xã Kha Văn Hướng, phụ trách bản Na Tổng giám sát, trực tiếp chỉ đạo quá trình sửa chữa, hoàn thiện.

kl8.jpg
Anh Vi Văn Chiến, bản Na Tổng (giữa) trao đổi với cán bộ Mặt trận và HĐND xã Tam Thái về tiến độ sửa chữa nhà ở. Ảnh: Khánh Ly

“Nhà cũ của gia đình tôi xây dựng đã lâu nên giờ đã xuống cấp. Nếu không có sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, không biết bao giờ gia đình tôi mới có thể sửa chữa nhà để ở. Tôi rất phấn khởi và biết ơn vì những hộ gia đình khó khăn như luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia và tiếp thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống”.

Theo ông Lương Ba Vin- Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Tương Dương: Nhờ dân vận khéo, chủ trương xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở đã được cấp uỷ, chính quyền xã Tam Thái chỉ đạo thực hiện có hiệu quả vừa giúp người nghèo “an cư, lạc nghiệp”, vừa đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Dân cáng đáng, bản làng sáng

Không chỉ "dân vận khéo” trong thực hiện các chính sách giảm nghèo, cấp uỷ, chính quyền xã Tam Thái còn phát động phong trào thi đua, huy động sự đồng lòng, góp sức của người dân trong xây dựng các công trình công cộng, làm đẹp cảnh quan ở địa bàn, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

c407bbf2a1eb1cb545fa.jpg
Đường giao thông do dân bản Đọọc Búa, xã Tam Thái đóng góp triển khai dọc khe Chà Lạp . Ảnh: Quỳnh An

Ví như công trình “đèn đường chiếu sáng” tại bản Tân Hợp, bản Xoóng Con với tổng kinh phí vận động hơn 175 triệu đồng; mô hình thu gom, xử lý rác thải tại bản Cam, bản Đoọc Búa với kinh phí gần 75 triệu đồng. Bên cạnh đó, người dân tại các bản Na Tổng, Tân Hợp cũng đã quyên góp được 256 triệu đồng để xây dựng các công trình Đại đoàn kết như làm mái tôn, nâng cấp nhà văn hóa, làm đường cờ Tổ quốc... tạo diện mạo mới cho thôn bản.

anh-1-nguoi-dan-tam-thai-lam-duo-1691745846534(1).jpg
Người dân xã Tam Thái chung tay làm đường giao thông. Ảnh: May Huyền

Bà Vang Thị Trang - Chủ tịch MTTQ xã Tam Thái cho hay: Trong năm 2024, hưởng ứng phong trào thi đua dân vận khéo, Ban công tác Mặt trận, Tổ dân vận tại nhiều thôn, bản đã vận động cán bộ, công nhân viên chức, con em đang sinh sống và làm việc ở mọi miền Tổ quốc và nước ngoài ủng hộ, đóng góp xây dựng quê hương như làm công trình đường điện chiếu sáng, đường vào khu sản xuất, các mô hình xây dựng môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp… với số tiền 450.000.000 đồng.

uploaded-daothobna-2019_06_12-_bna_sen_1_anh_dao_tho4945702_1262019.jpg
Đầm sen ở bản Đoọc Búa, xã Tam Thái. Ảnh tư liệu Đình Tuân

Đó chính là thành quả của “dân vận hay, thôn bản đổi thay”, góp phần tích cực để xã miền núi Tam Thái duy trì và giữ vững 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.