Tinh thần đổi mới này được thể hiện rõ nét trong công tác lập pháp của Quốc hội ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV đến nay. Trong đó có những dấu ấn, cải tiến, đổi mới không nằm trong quy trình, nhưng tác dụng mang lại rất lớn.
Những dấu ấn quan trọng
“Đổi mới” là một trong những yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhiều lần trong các bài phát biểu trước Quốc hội ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Khóa XV cũng như những chỉ đạo cụ thể cho thấy quyết tâm mạnh mẽ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng các hoạt động của Quốc hội, trong đó có công tác lập pháp. Thực tiễn và kết quả trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới đã khẳng định mạnh mẽ tinh thần một Quốc hội luôn đồng hành với dân tộc, giai đoạn nào và điều kiện nào cũng đều hoàn thành trọng trách của mình, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của cử tri và Nhân dân cũng như những chuyển động nhanh của cuộc sống. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì thành quả đó đặt ra cho Quốc hội Khóa XV “những áp lực về đổi mới và tinh thần là phải tiếp tục tiến lên”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi thông điệp nhân dịp khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo Ảnh: Minh Thành
Tinh thần này được thể hiện rõ nét trong công tác lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ mới cũng là lúc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bắt đầu có hiệu lực với nhiều điểm mới về quy trình lập pháp, đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Đây là căn cứ quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho những cải tiến, đổi mới trong quá trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua các dự án luật, nghị quyết…
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo mang tính định hướng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung về công tác lập pháp, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Đảng đoàn Quốc hội đã tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đề án đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, định hướng lớn và 70 nhiệm vụ cụ thể và 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể mà các cơ quan phải rà soát, đánh giá, đề xuất những dự án luật, pháp lệnh nào cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề xuất, các cơ quan sẽ xem xét để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Với Đề án này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân nêu rõ, Quốc hội đã xác định chiến lược lập pháp với tầm nhìn dài hạn, song hành với Chiến lược phát triển đất nước được Đại hội XIII của Đảng xác định, bảo đảm tính liên tục, toàn diện và phù hợp với tổng thể chiến lược phát triển đất nước, góp phần khắc phục hạn chế đã chỉ ra trong công tác lập pháp cũng như bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Những đổi mới không nằm trong quy trình
Trong nhiều cải tiến, đổi mới của công tác lập pháp nhiệm kỳ Khóa XV, điểm đặc biệt là có những đổi mới không nằm trong quy trình. Đó là khi các dự án luật, nghị quyết được Chính phủ, các cơ quan có liên quan trình sang Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực lập pháp và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực chuyên môn liên quan đã trực tiếp chủ trì các cuộc làm việc để nghe các cơ quan báo cáo, đánh giá bước đầu về dự án luật và những vấn đề lớn, quan trọng, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Cách làm này tuy không chính thức nằm trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng đã mang lại những tác động, hiệu quả rõ nét, giúp nâng cao chất lượng dự án luật ngay từ khâu chuẩn bị, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đây chính là cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo “chuẩn bị từ sớm, từ xa” được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Việc hiện thực hóa quan điểm “chuẩn bị từ sớm, từ xa” đã góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV
Bên cạnh đó, ngay sau mỗi kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo các cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật. Các cơ quan của Quốc hội chủ trì tổ chức nhiều cuộc làm việc, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức có liên quan; các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cuộc họp của cơ quan thẩm tra với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, thống nhất về một số vấn đề lớn của các dự thảo luật.
Các cơ quan của Quốc hội cũng làm việc kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lớp, lắng nghe ý kiến của rất nhiều kênh nhằm tạo ra một sản phẩm đáp ứng được yêu cầu cả về hình thức và nội dung mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về triển khai Kết luận 19 của Bộ Chính trị. Hình thức ở đây thể hiện qua việc các văn bản này đạt sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật, có tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và “tuổi thọ” tương đối lâu dài. Chất lượng thể hiện qua sự phản ánh chính xác thực tế cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo sự phát triển bền vững, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh của đất nước.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng trong công tác lập pháp, thời gian qua đã có những nghị quyết chưa có tiền lệ được ban hành, thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng, hành động quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước những yêu cầu cấp bách của cuộc sống. Đặc biệt, ngay những ngày đầu tháng 1 năm nay, Quốc hội đã tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, cũng là kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội, thông qua 1 luật và 2 nghị quyết với sự thống nhất cao. Trong đó, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật là những văn bản quy phạm pháp luật có vai trò quan trọng, song cũng phức tạp, đồ sộ, đặt ra nhiều thách thức với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng.
Những đổi mới ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã để lại dấu ấn sâu đậm, khắc họa một Quốc hội năng động, hành động quyết liệt vì dân. Dấu ấn này có đóng góp quan trọng của công tác lập pháp, với một số đổi mới quan trọng, đặc biệt là từ những cải tiến chưa có trong quy trình, nhưng mang lại hiệu quả rất lớn.
Lê Bình