Tại phiên chất vấn sáng 7/11, nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công an Tô Lâm liên quan đến lực lượng cảnh sát khu vực.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) cho rằng, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay là lực lượng cảnh sát khu vực cũng được sắp xếp theo khu phố, tổ dân phố và như vậy sẽ tăng nhiều hơn so với hiện tại.

tothibichchau-737.jpg
Đại biểu Tô Thị Bích Châu

Tuy nhiên, đại biểu nêu thực tế, với tình hình an ninh trật tự phức tạp ở những thành phố đông dân như TP.HCM cũng bị cắt giảm biên chế cơ học đối với cảnh sát khu vực như các ngành khác.

“Vậy cách nào để cảnh sát khu vực có thể thực hiện đảm bảo nhiệm vụ của mình là bám sát địa bàn dân cư, giữ mối liên hệ với nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?”, đại biểu Tô Thị Bích Châu hỏi.

Điều động 500 công an cấp bộ về các xã đặc biệt phức tạp

Trả lời, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay Bộ Công an đã điều động trên 50.000 cán bộ công an chính quy xuống cấp cơ sở là cấp phường và cấp xã.

Theo Đại tướng Tô Lâm, nhiệm vụ của cảnh sát khu vực cũng là một phần nhiệm vụ của công an ở cấp cơ sở. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, công việc ở cấp cơ sở là rất lớn. “Chúng tôi thống kê, cảnh sát khu vực, công an xã chính quy có khoảng trên 100 đầu việc phải thực hiện hàng ngày.

"Vì vậy chủ trương của Bộ Công An không phải giảm biên chế, giảm số cảnh sát khu vực mà chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Bộ Công an điều động công an từ cấp bộ, tỉnh, huyện tăng cường cho cấp cơ sở. Riêng cấp bộ đã điều động khoảng gần 500 cán bộ về công an cấp xã đặc biệt phức tạp, đặc biệt là những xã biên giới, chứ không giảm.

Một giải pháp nữa theo Bộ trưởng Công an là tiếp tục tăng cường sử dụng công nghệ trong giao dịch, tiếp xúc với người dân, kết nối những cụm dân cư, những người sử dụng chủ yếu bằng công nghệ. Hiện nay cảnh sát khu vực đang vận dụng việc này rất tốt.

“Chúng tôi đang dự tính với tốc độ đô thị hóa cao, nhiều quận, nhiều thành phố sẽ được thành lập nữa thì cũng phải dự trữ lực lượng này để có thể đảm đương được công việc ngay khi có yêu cầu về quản lý ở cơ sở”, Bộ trưởng Công an nói.

tolam-738.jpg
Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Tranh luận sau đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về vai trò của lực lượng cảnh sát khu vực ở địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, sau sắp xếp, việc giảm số lượng cảnh sát khu vực là chưa phù hợp với một số địa bàn, nhất là địa bàn có đông dân cư như tại TP.HCM.

“Tại địa bàn tại quận 1, TP.HCM, sau sắp xếp đơn vị hành chính, từ 122 cảnh sát khu vực quản lý 239.000 dân hiện chỉ còn 98 khu phố và sẽ còn 98 cảnh sát khu vực”, đại biểu dẫn chứng. Trong khi đó, riêng đội hành chính mỗi một ngày phải nhập liệu đăng ký khách du lịch ngoại quốc khoảng 5.000 người.

Theo bà Châu, điều này cho thấy, các giải pháp Bộ trưởng đưa ra có hiệu quả một phần, nhưng không thể phủ nhận vai trò của cảnh sát khu vực, bởi họ nắm sát địa bàn, giữ mối liên hệ với nhân dân.

Đại biểu cho rằng, việc tăng cường quản lý bằng điện tử, bằng camera nhưng, một cảnh sát khu vực quản lý 3.000 hộ dân, suốt ngày chỉ cần ngồi xem camera, thời gian đâu giữ mối liên hệ với nhân dân, thời gian đâu bám sát được địa bàn, thời gian đâu để chính người cảnh sát đó tái tạo sức lao động.

Vì vậy, đại biểu mong bộ trưởng phối hợp với các ngành đánh giá vai trò của cảnh sát khu vực, cũng như lực lượng an ninh ở cơ sở.

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo điều lệ cảnh sát khu vực thì 500 người dân có 1 cảnh sát khu vực nhưng hiện nay tốc độ phát triển đô thị ở TP.HCM quá lớn nên lực lượng công an phát triển theo chưa đáp ứng yêu cầu. Công an TP.HCM hiện nay đang thiếu biên chế. Vì vậy Bộ Công an sẽ tiếp tục tăng cường.

Bộ trưởng dẫn chứng xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có dân số 120 nghìn người thì số lượng cảnh sát khu vực tính theo số này sẽ rất nhiều trong khi Bình Chánh còn sắp lên quận.

“Chúng tôi phải chuẩn bị lực lượng để đáp ứng, do hiện nay đang thiếu biên chế. Bây giờ hỏi lấy đâu cán bộ để đưa về xã, phường, chúng tôi lấy từ các lực lượng của tỉnh, huyện để đảm bảo”, Bộ trưởng Công an thông tin.

Đại tướng Tô Lâm giải thích thêm, việc ứng dụng công nghệ hiện nay chủ yếu cảnh sát khu vực vận dụng phương thức sử dụng điện thoại thông minh, Ipad để có mối liên hệ với nhân dân chứ không chỉ sử dụng camera.

“Hiện một tin nhắn có thể thông báo nhóm dân cư vài trăm người, không cần phải đi đến từng nhà giải quyết các vấn đề của dân như ngày xưa. Việc này rất hiệu quả. Chúng tôi sẽ sử dụng lực lượng trị an ở cơ sở, tổ dân phố để hỗ trợ lực lượng cảnh sát khu vực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân của Việt Nam rất nghiêm trọng

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm về tình hình thông tin cá nhân bị lộ lọt số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân đang rất phổ biến.

Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo; người dân bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau.

“Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng mà tôi vừa nêu trong thời gian tới?”, đại biểu chất vấn.

daochinghia-739.jpeg
Đại biểu Đào Chí Nghĩa

Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số. Đây là vấn đề thực tiễn rất cấp bách đặt ra ở Việt Nam hiện nay.

“Tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay của Việt Nam rất nghiêm trọng”, Bộ trưởng Công an nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng có 2 yếu tố dẫn đến tình trạng này. Đó là tội phạm xâm nhập, đánh cắp các dữ liệu cá nhân rất lớn. Trong năm 2023, riêng Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ có liên quan đến việc xâm phạm các cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ dữ liệu này chưa cao. Người dân có thể sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho các người khác, cho các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự.

Từ đó, Bộ trưởng Công an nêu nhiều giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể là đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội cho ý kiến; sửa đổi bổ sung Bộ Luật Hình sự 2015 thêm tội danh làm lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm các hành vi này.

Cùng với đó là tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân và các hành vi sai phạm khác.

“Về phía Bộ Công an hiện nay có Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư cho đến nay chúng tôi bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin”, Bộ trưởng khẳng định.