Chiều 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đoàn Nghệ An Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Các báo cáo đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng và đánh giá khá toàn diện về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực.
“Bằng nhiều giải pháp tích cực, kết quả đã góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tối đa hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, cũng như củng cố lòng tin của Nhân dân”, đại biểu bày tỏ.
Ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khoá XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị có Thông báo Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó đánh giá: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, lãng phí trong cơ quan Nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời";...
Dẫn lại các quy định, kết luận trên, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho biết thêm, qua rà soát các văn bản pháp luật, cho thấy có hơn 1.000 hành vi của cán bộ, công chức, viên chức được quy định là vi phạm, cả về hành chính cũng như hình sự với 5 nhóm hành vi, mà nhiều nhất nhóm hành vi vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ với hơn 950 hành vi.
Vì vậy, nữ đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ cần phải thống nhất cao quan điểm: việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn bó chặt chẽ với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm nội dung về giải pháp phòng, chống tiêu cực.
Đồng thời, Chính phủ cần khẩn trương rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cũng như khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như: đấu thầu, đấu giá; quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công; tài chính, chứng khoán…
“Mong Chính phủ sớm có lộ trình cụ thể ban hành các cơ chế này để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tiếp tục củng cố lòng tin của Nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nói.
Thành Duy - Phan Hậu